Trò chuyện với PV, chị (SN 1992, ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh). chua xót kể lại: “Ngày 25-8-2018, do thiếu tiền trang trải cuộc sống gia đình, tôi tìm vào trang hỗ trợ tài chính, vay tiền nhanh chỉ cần CMND, hộ khẩu mà không cần thế chấp tài sản. Trên đó, họ có để lại số điện thoại của Đăng (không rõ lai lịch).
Sau đó, Đăng tìm đến tận nhà tôi và yêu cầu được xem CMND, hộ khẩu bản chính, chụp hình nhà cửa và trao đổi nội dung như sau, vay 60 triệu đồng, theo hình thức trả góp gồm lãi, gốc theo ngày; trong 40 ngày thì lãi 12 triệu đồng.
Do cần tiền gấp, tôi đồng ý. Sau đó, Đăng không viết giấy vay nợ mà “lách” sang giấy nhận tiền cọc thuê nhà và giấy nhờ mua xe giùm. Tôi ký nhận 72 triệu đồng dưới hai hình thức trên. Tôi thắc mắc thì được Đăng giải thích rằng, đây là giấy tờ để hợp thức hóa, nếu tôi trả tiền đúng thời hạn thì không sao”.
Chị T, người phụ nữ hiện bị quy nợ hơn 10 tỷ đồng. |
Theo chị T., thực tế Đăng chỉ đưa cho chị 50,4 triệu đồng và giải thích rằng, chị phải chịu mức phí dịch vụ 10%/60 triệu đồng (tương đương 6 triệu đồng) và đóng trước 2 ngày lãi và gốc là 3,6 triệu đồng. Sau 2 ngày nhận khoản tiền vay thì đều đặn mỗi ngày, chị phải đóng số tiền 1,8 triệu đồng (gồm 1,5 triệu đồng tiền gốc, 300 ngàn đồng tiền lãi) trong vòng 40 ngày. Những ngày sau đó, có 2 thanh niên “xăm trổ” đầy mình là “đàn em” của Đăng đã đến thu tiền của chị.
Từ ngày 30-8 đến 2-9-2018, chị T. nhận được rất nhiều số điện thoại lạ với lời chào vay tiền tương tự với công thức tính tiền như trên, nhưng số ngày vay ngắn hơn. Cụ thể, vay 100 triệu đồng trong vòng 24 ngày, lãi là 20 triệu đồng; vay 100 triệu đồng trong vòng 20 ngày, lãi là 20 triệu đồng…Ngoài ra, còn hình thức vay không cộng tiền gốc mà chỉ trả lãi hàng tháng với lãi suất 20%/tháng.
Trong thời gian này, chúng liên tục điện thoại đòi nợ, đe dọa, nếu chị chậm đóng 1 ngày sẽ phạt gấp đôi nên buộc T. cứ tiếp tục vay hết người này đến người khác để trả nợ.
“Do mất khả năng tài chính và liên tục bị gần 40 đối tượng đe dọa xử qua số điện thoại nên tôi không dám tố cáo hành vi của chúng đến cơ quan Công an. Chỉ khi chúng cùng đến nhà đòi nợ, tôi mới thức tỉnh và biết chúng cùng là đồng bọn của Đăng.
Hàng ngày, tôi cứ phải vay nợ của người này trả cho người khác với số tiền hơn 150 triệu đồng/ngày. Có như vậy, tôi mới được yên ổn. Tính đến ngày 20-12-2018, tôi đã nợ hơn 7 tỷ đồng. Khi tôi bất lực trả nợ thì cha ruột đã phải bán dãy phòng trọ để trả nợ giúp. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng chỉ trả được 6,8 tỷ đồng và còn gần 300 triệu đồng. Tôi có thương lượng thì được Đăng đồng ý cho kéo dài trả nợ và không tính lãi.
Tuy nhiên, đến ngày 1-7-2019, Đăng lại ráo riết đòi nợ và lãi đối với khoản vay này. Do bị đe dọa và sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, tôi giấu gia đình vay nợ 180 triệu đồng của đối tượng tên Văn. Kể từ lúc này, rất nhiều đối tượng khác gọi điện cho tôi vay tiền với hình thức như trên. Tính đến nay, tôi tiếp tục nợ số tiền hơn 3 tỷ đồng của gần 30 đối tượng khác”, chị T., kể thêm.
Được biết, ngoài chị T., còn có chị H., (bạn chị T, ngụ TP Hồ Chí Minh), cũng vay của một đối tượng tên Thanh cũng trong nhóm của Đăng 50 triệu đồng để lấy vốn bán hàng quần áo trên mạng xã hội. Mỗi ngày, chị H., phải trả cho chúng hơn 3 triệu đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, chị H. đã thiếu nợ chúng hơn 500 triệu đồng. Những ngày gần đây, chị H. muốn bỏ trốn nhưng bị chúng đe dọa sẽ “xử” những người trong gia đình như trường hợp của chị T.
Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận đơn cầu cứu của chị T. Công an đang khẩn trương truy tìm các đối tượng trên; cũng như thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi cho vay nặng lãi.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong thực tế, nhu cầu của tổ chức, cá nhân cần vay tiền để phục vụ các mục đích khác nhau rất đa dạng; trong số đó có không ít trường hợp vay tiền với mục đích không chính đáng, thậm chí vi phạm pháp luật như đánh bạc. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi thực hiện dịch vụ cấp tín dụng, cho vay phải có những điều kiện nhất định và không phải tổ chức, cá nhân nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận.
Từ thực tế này đã phát sinh và hình thành việc cho vay trái pháp luật ngoài hệ thống tín dụng, ngân hàng. Việc dẫn dụ để tiếp cận người có nhu cầu vay được biến thiên thành nhiều phương thức, như: Thuê người phát, dán tờ rơi hay sử dụng các website, mạng xã hội, các số thuê bao không đăng ký chính chủ...để đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền với các thông tin “không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay chỉ cần CMND, hộ khẩu”. Dù biết và nhận thức việc vay từ các nguồn này có lãi suất rất cao nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn chấp nhận…
(Theo Công an nhân dân)