{keywords}
Ông K’Broh giới thiệu cây xà gạc cúng, có ý nghĩa tâm linh quan trọng trong cộng đồng người K’Ho. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Linh vật kết nối với thần linh

Trong chuyến đi tìm những vật thiêng của người K’Ho tại cao nguyên Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi gặp gỡ ông K’Broh (ngụ huyện Di Linh). Là giáo viên về hưu, ông K’Broh dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc mình.

Ông nói, ngoài ché, người K’Ho bản địa còn có 2 loại linh vật khác gồm: Xà gạc, giáo nhọn. “Gọi là linh vật bởi, loại vật dụng này xuất hiện hầu hết trong các lễ cúng của người K’Ho”, ông K'Broh cho biết.

Nói xong, ông dẫn chúng tôi đến bên chiếc tủ thờ, cẩn thận nhấc ra vật có lưỡi bằng kim loại, cán bằng gốc cây le già đen bóng. Ông giới thiệu: “Trong đời sống người K'Ho có 2 loại xà gạc là xà gạc sản xuất và xà gạc để cúng. Cái tôi đang cầm là xà gạc cúng. Cái này quý lắm”.

Ông K'Broh nói rằng, người dân có thể tự rèn hoặc mua loại xà gạc được dùng để phát nương làm rẫy, chặt gỗ dựng nhà ngoài chợ. Chúng có lưỡi hình chữ nhật, hơi cong, mũi bằng, cán bằng gốc le già cứng chắc.

Trong khi đó, xà gạc cúng không thể mua. Mỗi gia đình phải tự rèn lấy. Chúng thường được chế tác tinh xảo với lưỡi có nhiều hình dạng khác nhau. “Chúng được xem là một vật thiêng, chỉ để trên bàn thờ, không rời khỏi nhà, không sử dụng làm việc khác”, ông K’Broh nói.

Tại thôn Duệ (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh), già làng K’Tiếu (68 tuổi) cũng là một trong rất ít người K’Ho còn giữ được chiếc xà gạc cúng nguyên mẫu. Ông nói, vật thiêng này có tuổi đời gấp đôi tuổi mình.

{keywords}
Già làng K’Tiếu cũng cất giữ cây xà gạc quý được cha ông truyền lại. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Người K’Ho chúng tôi quý xà gạc này lắm. Chúng được xem là một vật thiêng, chỉ để trên bàn thờ, không rời khỏi nhà, không sử dụng làm việc khác. Nó là vật dụng nối kết giữa con người với Yàng (thần linh - PV)”, già K'Tiếu nói thêm.

Theo ông, bất cứ lễ cúng nào, dù lớn hay nhỏ, già làng cũng cầm xà gạc cúng trên tay. Trong lúc cúng, già làng cầm, giơ cao chiếc xà gạc về phía trước như để trò chuyện với Yàng.

Tại các lễ hiến sinh, già làng, người cúng lấy máu của con vật bôi vào lưỡi xà gạc như một nghi thức cúng, tế, khấn mời Yàng về chứng giám. Sau lễ cúng, xà gạc được đặt trên bàn thờ. Gia chủ phải bảo quản, giữ gìn nó như một linh vật của gia đình, dòng họ.

Vũ khí đuổi quỷ, trừ tà?

Giới thiệu xong cây xà gạc cúng, già K'Tiếu chỉ về phía góc nhà và nói: “Kia là ngọn giáo thiêng của người K’Ho xưa. Bây giờ, hầu như không còn ai có nó. Cây giáo này đã trải qua không biết bao nhiêu lễ ăn trâu (lễ đâm trâu của người K’Ho - PV) rồi”.

Cây giáo cao khoảng 2m, cán bằng gỗ chuốt tròn. Mũi giáo ngắn, thuôn bằng kim loại được mài nhọn, hai cạnh sắc bén. Theo già Tiếu, sở dĩ được gọi là vật thiêng bởi cây giáo cũng gắn liền với văn hóa tâm linh của dân tộc mình.

Tuy nhiên, vật thiêng này chỉ xuất hiện trong các nghi lễ lớn, có quy mô như lễ ăn trâu. Già Tiếu phân tích, trong các lễ thì lễ hội ăn trâu là lớn nhất. Xưa kia, khi ăn trâu, người có uy tín mới được sử dụng giáo này.

Cũng như xà gạc cúng, giáo thiêng được cộng đồng người K’Ho gửi gắm niềm tin tâm linh rất lớn. Với họ, loại vũ khí này biểu trưng cho sức mạnh tâm linh, bảo vệ con người khỏi bàn tay quỷ dữ, dịch bệnh.

{keywords}
Già làng K’Tiếu là một trong rất ít người còn lưu giữ được ngọn giáo thiêng của dân tộc mình. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Theo già K'Tiếu, niềm tin ấy có thể xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn của ngọn giáo. Người K’Ho xưa rèn, chế tác loại vũ khí này để chống chọi với thú dữ, các bộ lạc thù địch. Về sau, ngọn giáo nhọn dần được tâm linh, thần thánh hóa, trở thành vật dụng linh thiêng.

Thế nên, cách rèn, chế tác giáo thiêng cũng hết sức kỳ công, bí ẩn. Đến bây giờ, già làng K'Tiếu cũng như ông K’Broh vẫn không biết, mũi giáo được cha ông mình tôi luyện từ loại vật liệu gì.

Già K'Tiếu kể: “Tôi đã tìm hiểu, loại sắt mà người xưa dùng để rèn mũi giáo không giống như sắt rèn cuốc bây giờ. Đã ngoài trăm năm, dù tôi không mài, dũa, vệ sinh thường xuyên nhưng mũi giáo vẫn không han gỉ, cán không mục”.

“Tôi chỉ được người xưa kể lại rằng, sau khi tôi luyện mũi giáo, các thầy đưa cho thanh niên trong làng đem ra suối mài trên đá. Họ phải mài cho mũi giáo đạt độ nhọn, thuôn, mịn đến không đọng nước, đọng máu mới trở về”, già K'Tiếu chia sẻ thêm.

Cũng theo ông, trong văn hóa tâm linh người K’Ho xưa, giáo thiêng có đủ sức mạnh, uy tín để xuất hiện trong lễ đâm trâu cùng nhiều hủ tục khác. Già Tiếu kể: “Xưa kia, người ta dùng mũi giáo để truy tìm, xua đuổi ma quỷ”.

“Khi nghi ngờ ai bị ma quỷ theo phá, người xưa dùng mũi giáo chọc vào thân thể họ. Người ta cũng đặt giáo thiêng ở nơi nghi có con ma rừng, ma núi quấy phá. Nếu đặt giáo trong nhà, ma quỷ sẽ không dám dòm ngó”, ông nói thêm.

Ngày nay, phát triển theo đời sống văn minh, những hủ tục trên không còn xuất hiện trong cộng đồng người K’Ho. Già K'Tiếu khẳng định, từ rất lâu, ngọn giáo thiêng chỉ còn xuất hiện trong lễ đâm trâu.

Tuy nhiên, giá trị của ngọn giáo đối với người K’Ho vẫn nguyên vẹn. Già K'Tiếu nói, khi nhắc đến các vật thiêng của dân tộc không thể không nói đến ché, xà gạc, giáo nhọn.

Bí ẩn món đồ thiêng, giới đồ cổ mê nhưng không mua được ở Lâm Đồng

Bí ẩn món đồ thiêng, giới đồ cổ mê nhưng không mua được ở Lâm Đồng

Có người đưa ra mức giá trên trời, ông K’Mun Sơn có làm trăm mùa lúa cũng không có được số tiền nhiều như vậy. Thế nhưng, ông vẫn một mực từ chối bán.

Nguyễn Sơn

(còn nữa)