Mới đây, tại xã Văn Hải (Kim Sơn, Ninh Bình) xảy ra vụ nổ nhà sập, 2 người phụ nữ tử vong, một cháu bé 4 tuổi bị thương. Hai người phụ nữ này được thuê để chế tạo pháo nổ bán trong dịp Tết. Trong khi đang ráp ngòi nổ và đóng gói tại gian bếp thì bất ngờ xảy ra vụ nổ.

Một số địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh xảy ra các vụ nổ gây thương vong liên quan đến chế tạo pháo.

Vật liệu chế tạo pháo nổ bán la liệt 

Dù nhiều vụ việc thương tâm xảy ra khi tự chế pháo nổ, song hoạt động buôn bán các loại vật liệu làm pháo vẫn diễn ra nhộn nhịp, đặc biệt là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán.

Trên các “chợ mạng”, chỉ cần gõ từ khóa “vật liệu chế tạo pháo nổ” cho ra hàng trăm nghìn địa chỉ bán dây cháy chậm, bột Kclo3, Natri benzoat, lưu huỳnh, giấy cuộn… Đây là những nguyên vật liệu để sản xuất pháo nổ.

day dan chay.jpg
Dây dẫn cháy được bán la liệt trên sàn thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình)

Đáng chú ý, các mặt hàng này được rao bán la liệt trên facebook. Một tài khoản tên T.N rao bán Kclo3 với giá 110.000 đồng/kg, Natri benzoat giá 130.000 đồng/kg, lưu huỳnh 60.000 đồng/kg, nhủ nhôm 50.000 đồng/100 gram… 

Dưới bài đăng, hàng trăm người vào hỏi mua, một số người còn chia sẻ công thức tự chế pháo nổ.

Trên sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee… cũng bán tràn ngập các loại giấy cuộn (làm thân pháo), dây cháy chậm. Mỗi gian hàng có hàng chục, thậm chí hàng trăm đơn hàng đã được bán.

Còn tìm kiếm “thuốc pháo” lại được dẫn đến những gian hàng bán các túi lẻ dưới tên "hóa chất", "phân bón", “bột than mịn bón cho cây trồng”. Theo đó, chỉ cần chưa tới 100.000 đồng có thể dễ dàng đặt mua các loại "phân bón" như kali clorat, than bột... Combo này thực chất là hóa chất được bán lẻ đúng theo tỷ lệ để chế tạo thuốc pháo. 

Núp bóng "phân bón"

Có những gian hàng trên sàn thương mại chỉ rao bán 1 sản phẩm bột than với giá chưa đến 100.000 đồng/kg với lời quảng cáo “sản phẩm than củi xay mịn bón cho cây trồng các loại với công dụng hữu ích”. Tuy nhiên, dưới bài đăng bán sản phẩm, nhiều khách phản hồi shop giao nhanh, hàng tốt, nổ to; số khác báo giao thiếu lưu huỳnh. Kèm theo đó là hình ảnh các gói bột, thậm chí hình ảnh những quả pháo nổ đã được hoàn thành. 

Tương tự, dây cháy chậm còn được nhiều gian hàng quảng cáo là “dây uốn lan”, “dây dẫn nhiệt cho đèn dầu”. Song, bên dưới bài đăng có nhiều khách phản hồi dây cháy chậm hàng tốt, có khách nói đã mua lần 2 kèm hình ảnh combo các chất để chế tạo pháo nổ...

Với những lời rao bán “trá hình” trên các sàn thương mại điện tử, dân chơi pháo sẽ hiểu ngay đây là những vật liệu, hóa chất để chế tạo pháo nổ.

Hiện, các mặt hàng này được rao bán với giá chỉ vài chục nghìn đến 100.000-200.000 đồng cho một combo tùy theo trọng lượng. Một số đầu mối đăng kèm video hướng dẫn cũng như chia sẻ công thức chế tạo pháo nổ.

thuoc phao 1.jpg
Các hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ được bán công khai trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ với PV. VietNamNet, một chuyên gia pháp lý lo lắng khi vật liệu nổ được bán tràn lan trên mạng.

Theo vị này, dây cháy chậm được tính là vật liệu nổ, được sản xuất và quản lý theo quy định, có danh mục quy định theo thông tư của cơ quan nhà nước. Còn nghị định 137 về quản lý pháo thì lại chỉ quy định về pháo và thuốc pháo. Đây có thể coi là có lỗ hổng trong quản lý.

"Giấy cuộn sẵn được bán tràn lan không bị cấm. Dây cháy chậm thì bán vô tội vạ không được kiểm soát. Trong khi thuốc pháo thì cũng rất dễ chế chỉ bằng một thao tác tìm kiếm là có công thức. Hoặc chỉ cần mua vài hộp diêm về là thành thuốc pháo. Giấy cuộn nếu chỉ là tờ giấy, xấp giấy hoặc cuộn giấy to thì không nói. Đằng này trên mạng dân buôn bán cả giấy cuộn, dán chặt thành hình quả pháo rồi, mua về chỉ việc bịt 1 đầu, đổ thuốc pháo và dây cháy chậm vào là xong", ông liệt kê những thủ đoạn buôn bán công khai vật liệu làm pháo.

Chia sẻ với báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay các nguyên liệu làm pháo nổ chủ yếu sử dụng bột lưu huỳnh, dây cháy chậm hay bột than đá, Kali Clorua... Những thứ này có thể mua bán dễ dàng trên mạng theo từng sản phẩm hoặc combo dưới dạng phân bón, hóa chất.

Theo luật sư Cường, những vật liệu nêu trên được xác định là tiền chất thuốc nổ. Đây là chất có sự quản lý của nhà nước theo quy định Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ bị nghiêm cấm (trừ trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định). Vì vậy, các cá nhân có hành vi tự chế, buôn bán pháo nổ là vi phạm pháp luật. 

Tùy vào tính chất, mức độ, các trường hợp này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý kiểm tra để siết chặt mua bán vật liệu làm pháo, như dây cháy chậm, rất dễ nhận biết. Nếu mua bán số lượng lớn có thể khởi tố hình sự.