Vào nghề là... mất bạn cũ

Đã lường trước phần nào nhưng khi chính thức bỏ công việc văn phòng để chuyển sang bán bảo hiểm, Nguyễn Thu Mai (33 tuổi, ở Q. Bình Tân, TP.HCM) mới cảm nhận hết sự "lạnh nhạt" của bạn bè xung quanh. 

Từ khi chuyển qua công việc tư vấn bảo hiểm nhân thọ, Mai thấy nhiều người khóa, chặn facebook. Chị nhắn tin hay gọi điện những nhiều người cũng né tránh.

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Trên Facbook, nhiều người vẫn tương tác lâu nay đã âm thầm block (chặn) Mai và không nói một lời. Đồng nghiệp ở công ty cũ vốn thân thiết, Mai muốn hẹn đi cà phê, ăn trưa... đều nhận được cái từ chối khéo "bận rồi".  

Mai sốc nhất là tình huống với một người chị từng thân tình. Mai chủ động nhắn tin nhiều lần rủ đi uống cà phê nhưng chị ta không phản hồi.

Mấy ngày sau, Mai sững người khi nhậ n được tin nhắn của chị: "Mai ơi, nhà chị có bảo hiểm hết rồi!". Trong khi cô chỉ muốn hỏi về chỗ làm nội thất phòng ngủ cho con.

Cô T.L.Tr, giáo viên cấp 2 ở TP.HCM cũng có nhiều "trải nghiệm đau thương" khi dấn thân đi bán bảo hiểm. Đồng nghiệp, bạn bè xung quanh và cả phụ huynh trở nên "dè chừng" với cô. 

"Một lần, tôi vô tình nghe học sinh nói, bây giờ không dám nhờ cô Tr. chỉ bài vì sợ cô... gạ mua bảo hiểm", cô Tr kể.
Theo Mai, nhiều người muốn thử sức hoặc theo không trụ nổi lâu dài cũng một phần vì sự "lạnh lùng" này.

Công việc cần nhiều mối quan hệ mà cuối cùng lại mất quan hệ, nhiều người vượt qua nổi áp lực tâm lý. 

"Cả nhà ơi, em chuẩn bị chuyển nghề đi bán bảo hiểm. Mọi người đừng block em, đừng xa lánh em nha. Em thề, em hứa em không có "gạ gẫm" ai đâu", đó là status của chị Thu Vân, 31 tuổi, ở Củ Chi, TPHCM khi thông báo đến mọi người về công việc mới của mình. 

Việc "kỳ thị" công việc bán bảo hiểm có thể nhìn thấy cả trên các trang việc làm, tuyển dụng. Nhiều người đăng tin tìm việc làm, ở cuối thường thêm dòng chú thích: "Đa cấp, bảo hiểm tha cho em!".

Ác cảm vô hình 

Mới đây, trong một chuyên đề về ngành bảo hiểm thương mại diễn ra tại TPHCM, có người đặt thẳng câu hỏi với ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam: "Tại sao nhân viên làm nghề bán bảo hiểm thường bị xa lánh?". 

{keywords}
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trả lời câu hỏi: "Vì sao đi bán bảo hiểm thường bị ghét?"

Ông Dũng kể ngay về chính trường hợp của bản thân. Trước đây, ông đang làm marketing cho một công ty bảo hiểm. Khi nói chuyện, bạn bè biết ông làm bảo hiểm. Có người tránh luôn, gọi điện không nghe máy, ông nghĩ rất tủi thân. 

Theo ông Dũng, nhiều người "ác cảm" với đa cấp biến tướng nên vô hình đánh đồng bảo hiểm như đa cấp do có mặt cùng thời vào thập niên 90, rồi cho đến cách ăn mặc cũng bóng bẩy, lượt là...

Ngoài ra, còn xuất phát từ việc nhiều người chưa hiểu đúng về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Trong khi, ông Dũng khẳng định, đây là nghề rất tiềm năng, chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai và nếu bạn có năng lực thì thu nhập rất ổn. Có người thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. 

Ngoài "ấn tượng" có sẵn như trên, Trần Mỹ Dung (ở Bình Thạnh, TP.HCM) cựu nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, một trong những lý do nhân viên bán bảo hiểm bị khó chịu còn xuất phát từ cách tiếp cận chưa chuyên nghiệp của chính họ.

Thay vì giúp khách hàng hiểu về sản phẩm, không ít nhân viên tư vấn bảo hiểm lại chèo kéo, nhờ cậy người xung quanh để mình đạt chỉ tiêu, cấp độ này kia. Có người đăng bài rồi tag (gắn) tên người quen nói mua đi, dùng rủi ro hù họa này kia dẫn đến phản cảm. 

"Người Việt tâm lý cả nể. Họ "né" ngay từ đầu để khỏi đối diện trực tiếp. Có người ngại từ chối, mua xong ấm ức này kia... họ cũng chỉ biết trút thái độ khó chịu lên người tư vấn", chị Dung bày tỏ. 

Hay như anh Nguyễn Văn Nhân lại ấn tượng không hay từ một số người quen. Một số bạn công việc hiện tại khó khăn, nợ ngập đầu, vừa chuyển sang bán bảo hiểm vài hôm liền "lột xác" khoe: Em không phải bán mà nào là nhà hoạch định giúp mọi người quản lý tài chính; đầu tư, chi tiêu thông minh...

Nhận xét về những trường hợp này, ông Dũng nói: "Anh nghe cũng thấy rất "chối tai".

Dẫu vậy, nhiều năm trở lại đây, cho dù có nhiều áp lực từ công việc cùng nhiều rào cản không tên nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của công việc này trong. Không khó để thấy nhiều người từ nhà báo, giáo viên, kế toán, nhân viên văn phòng... chuyển hướng đi bán bảo hiểm.

Được biết, lĩnh vực bảo hiểm thương mại ở Việt Nam hiện có gần 12.000 cán bộ, nhân viên. Công việc này đòi hỏi nhiều khả năng, kỹ năng, đầu tư thời gian, công sức.. đổi lại mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, đào thải trong nghề cũng cực kỳ rất khốc liệt. 

(Theo Dân Trí)