Những người bước chân vào ngành y cần hiểu rằng ngành y chưa bao giờ là một nơi để làm giàu, ngay cả khi họ làm việc ở các quốc gia phát triển.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn giải pháp cho các vấn đề khác trong ngành y: y đức xuống cấp, sai sót chuyên môn và thu nhập.

Có chấp nhận trả phong bì?

Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng năm 2012 đã công bố một khảo sát với dữ liệu đáng tin cậy về nạn phong bì, nhất là tại miền Bắc. Đặc biệt là tốc độ biến chất nhanh sau 1 năm của bác sĩ từ khi ra trường.

Các hiện tượng xã hội được phản ánh qua truyền thông cho thấy sự bức xúc người dân rất lớn, sẵn sàng tạo ngòi nổ. Nguyên nhân nhất xuất phát từ một nền y tế mang nặng tính ban ơn - hàm ơn có nhiều kẽ hở.

Việc coi trọng MQH thày thuốc-bệnh nhân, tôn vinh không cần thiết những giá trị hy sinh của nghề đã gián tiếp đấy người bệnh vào tâm thế luôn sẵn sàng... lót tay. Không có một khảo sát nào thực sự chỉ ra liệu có bao nhiêu người bệnh thực sự muốn cảm ơn người thày thuốc bằng tiền, hay họ ở trong tình thế bắt buộc phải làm như vậy. Đối với ngành y, gây khó khăn cho người bệnh để đòi hỏi phong bì ở mọi cấp độ từ hộ ly, y tá đến bác sĩ là việc quá dễ dàng, và phải coi đó là một hành vi phạm tội

Sẽ là cực kỳ phi lý khi người dân phải cầu xin lòng từ tâm của người khác và miễn cưỡng đưa quà biếu để thể hiện lòng biết ơn, thay cho những gì họ đáng được hưởng.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ một nền y tế nhập nhằng công-tư. Bác sĩ không thể "vừa xay lúa, vừa ẵm em", không thể vừa đầu tư cho công việc bệnh viện công, trực đêm, cấp cứu, lại vừa chăm sóc cho phòng khám tư hay chạy sô các cơ sở tư nhân.

{keywords}

Ít nhất 90% bệnh tật có thể được giải quyết trong năng lực hiện tại. Ảnh: haiquanvn

Lãnh đạo cơ sở y tế rất khó quản lý tình trạng tồn tại hàng trăm BV tư nhỏ trong lòng BV công. Lạm dụng thời gian nhà nước, gây khó khăn cho bệnh nhân, dành kỹ thuật tốt hơn cho phòng khám riêng, móc ngoặc đưa bệnh nhân ra ngoài là hậu quả rõ rệt của việc nhập nhằng. Vấn đề này không hề mới, ngành y tế đã từng dự định xóa bỏ nó, nhưng cuối cùng lại thỏa hiệp. Vì sao? Chỉ có người bệnh là chịu hậu quả.

Việc giáo dục y đức cũng là nên làm, nhưng ít hiệu quả. Quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân bắt buộc phải thay đổi, để phù hợp như mọi xã hội văn minh khác.

Phải trả lại cho ngành y đúng giá trị của nó, những mỹ từ như hy sinh, tận tụy là không phù hợp, bởi ngành y cũng chỉ cao quý như bất kỳ ngành nghề lương thiện nào. Trả lại cho thầy thuốc vị trí của họ như người cung cấp dịch vụ. Trả lại người bệnh vị trí như người khách hàng sử dụng dịch vụ. Bình đẳng trong quan hệ, công bằng và minh bạch trong các dịch vụ y tế là đòi hỏi bức thiết. Sau đó là pháp trị. Chấm dứt tuyệt đối, vô điều kiện nạn phong bì biếu xén trong bất cứ thời điểm nào.

Tiếp theo, quyền hạn, nhiệm vụ và khả năng đảm trách công việc của mỗi cán bộ y tế, từ lãnh đạo đến các vị trí thấp nhất như hộ ly, tại bất kỳ cơ sở y tế công hay tư, đều phải được quy định bằng văn bản và có hình phạt tương xứng.

Phải tạo nên một môi trường phát triển lành mạnh, ngay trong ngành y tế. Cổ phần hóa bệnh viện, song song với tạo điều kiên bình đẳng cạnh tranh cho y tế tư nhân phát triển. Ít nhất, y tế tư nhân có những điểm bất lợi rõ rệt để phát triển so với y tế công, ví dụ như không có mặt bằng tốt, không được nhà nước đầu tư trang thiết bị, nhân lực y tế hoàn toàn tự trả lương, cho nên y tế công có quá nhiều điểm lợi để trở thành độc quyền.

Bệnh nhân có lựa chọn nào khi chấp nhận y tế tư nhân với chi phí cao, không nhận bảo hiểm y tế, không chắc chắn về chất lượng chuyên môn, hay phải chấp nhận y tế công và chi trả phong bì?

Hiệu ứng dây chuyền

Thứ hai là chuyện giảm sai sót chuyên môn.

Trong ngành y, các sai sót chuyên môn luôn xuất hiện. Nhưng, cần rạch ròi giữa sai sót gây ra vì năng lực yếu, trang thiết bị kém với sai sót do thái độ phục vụ chưa nhiệt tình.

Người dân hết sức nhạy cảm với các biến cố gây ra bởi thái độ. Họ dễ bức xúc và sẵn sàng hành động bột phát. Nhiều khi  lỗi không hẳn do sai sót chuyên môn nhưng phía BV  vẫn phải nhận lỗi và đền bù một cách không thuyết phục. Tiền lệ này tạo hiệu ứng dây chuyền trong khoảng chục năm gần đây.

Hiện nay, ngành y không giỏi như nhiều quốc gia phát triển trong xử lý bệnh phức tạp hay có phát kiến gì mới, nhưng vẫn đủ năng lực chữa trị các loại bệnh thông thường và rất nhanh nhạy trong  ứng dụng kỹ thuật. Ít nhất 90% bệnh tật có thể được giải quyết trong năng lực hiện tại.

Chúng ta đã có tất cả các giải pháp hiệu quả như quy trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu cơ sở y tế, kiểm soát quy trình khám chữa bệnh theo phác đồ, yêu cầu trợ giúp kịp thời của tuyến cuối và bắt buộc các tuyến cuối phải thực hiện đào tạo cho các cơ sở tuyến đầu. Vấn đề chính nằm ở sự quy chuẩn hóa và làm đồng bộ các giải pháp này trong một khung pháp lý.

Và cuối cùng là sự minh bạch trong tuyển dụng.  Còn nhìn xa hơn là phải tính đến việc cải tổ quá trình đào tạo bác sĩ theo tiêu chuẩn chung của thế giới. Thực tế, việc yêu cầu hỗ trợ đào tạo từ các tổ chức quốc tế, hoặc tài trợ cho đào tạo cho nhân lực y tế là khá dễ dàng và luôn được ủng hộ.

Ngành y không để.. làm phúc

Và cuối cùng là câu chuyện thu nhập.

Làm việc trong ngành y có những đặc thù riêng giống một số ngành nghề đặc biệt khác, nào trực đêm, áp lực căng thẳng, môi trường y tế độc hại... Ai bước chân vào nghề đều hiểu rất rõ. Không nên cho rằng vào ngành y là để làm phúc. Mà, đó đơn giản là một nghề cần được làm một cách chuyên nghiệp tối đa. Các mỹ từ hy sinh hay tận tụy đều không phù hợp.

So với các ngành khác, thu nhập y tế là không hẳn thấp. Điều quan trọng là thu nhập ấy rất chênh lệch, theo vị trí, theo chuyên ngành.

Cùng tốt nghiệp bác sĩ trong cùng trường y, nhưng sau 1 thời gian, một số người chỉ sống bằng đồng lương vài triệu đồng/tháng, trong khi một số người khác có thu nhập hàng tháng vài trăm triệu đồng.

Đó không hẳn là sự khác biệt trình độ, mà là sự đặc quyền của một số vị trí, tại một số cơ sở y tế, được thực thi một số kỹ thuật nhất định, mang tính độc quyền.

Tương tự, không có một con số thống kê nào vẽ nên tình trạng trong cùng một cơ sở y tế, rất nhiều người luôn bận rộn một cách được ưa thích, trong khi cũng rất nhiều người khác lại thảnh thơi ngay cả khi họ không hề muốn.

Cũng có những cán bộ y tế rất bận rộn, nhưng lại ở những khu vực không trực tiếp liên quan nhiều đến bệnh nhân, sẽ lại có thu nhập thấp hơn. Có rất nhiều cán bộ y tế trong các chuyên ngành Lao, truyền nhiễm, tâm thần, HIV/AIDS, giải phẫu bệnh sẽ không có thu nhập như những người khác bởi bệnh nhân của họ quá nghèo. Sự dịch chuyển cán bộ y tế bao giờ cũng theo xu hướng lên tuyến trên, tới chỗ bận rộn hơn và thu nhập cao hơn, chứ không theo xu hướng mang tính cống hiến này nọ.

Nên nhớ, ngành y không phải là ngành để làm giàu, ngay cả khi họ làm việc ở các quốc gia phát triển. Tại Mỹ hay Canada, một bác sĩ chuyên khoa sâu và kinh nghiệm có thể nhận 200 dollars cho mỗi giờ làm việc, và tất nhiên không bao giờ có phong bì. Số tiền này không nhỏ, ngay cả khi trừ 40% thuế thu nhập trở lên, nhưng cũng tương xứng với ít nhất 13 năm đào tạo bậc ĐH và các kỳ sát hạch liên tục sau đó, nhưng cũng không là gì khi so sánh với thu nhập của những nhà kinh doanh hay các ngôi sao của công chúng.

Tại VN, dù thu nhập ở mức nào thì công việc trong ngành y luôn là một lựa chọn an toàn bất kể thời cuộc, cũng luôn nhận được sự tôn trọng nhất định, không chịu ảnh hưởng bởi các biến cố thăng trầm hay nguy cơ phá sản như các ngành thời thượng khác.

Ngay cả khi chỉ cần thực hiện 3 vấn đề đàu tiên thì tức khắc thu nhập cán bộ y tế sẽ trở nên công bằng và được cải thiện. Giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở y tế, tận dụng tối đa bảo hiểm y tế, kiểm soát viện phí và thu chi, minh bạch về cơ cấu thu nhập và phân bố thu nhập cũng chắc chắn là các giải pháp sáng suốt khác trong vấn đề này.

2014 sẽ là một năm khó khăn nhưng chắc chắn là thời cơ thay đổi cục diện. Thời điểm thách thức cũng là thời điểm để năng lực tỏa sáng, để lãnh đạo có thể tạo dấu ấn khác biệt so với những người tiền nhiệm. Bộ trưởng hoàn toàn không cần xin người dân cảm thông, khoan dung cho ngành y tế như bà đã thực thà làm vậy. Hãy hành động. Mạnh mẽ. Tận dụng quyền lực. Đằng sau bà vẫn là sự trông đợi, tin tưởng và ủng hộ của người dân. Và có thể, cả chính phủ nữa.

Vàng thật không ngại gì lửa.

Nguyễn Công Nghĩa

(TS, BS Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hiện đang nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu y học Propel, Đại học Waterloo, Canada)