Trước tháng 4, vàng trong nước thường xuyên giao dịch ở vùng giá cao hơn so với vàng thế giới (theo tỷ giá quy đổi cùng ngày). Thậm chí, có thời điểm kim loại quý trong nước niêm yết cao hơn so với thế giới trên 4 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh của vàng thế giới từ đầu tháng 4 đến nay trong khi giá trong nước có xu hướng tăng thấp hơn đã khiến khoảng cách này bị xóa bỏ. Vàng thế giới hiện quy đổi còn có giá cao hơn trong nước xấp xỉ 1 triệu đồng.
Vàng trong nước rẻ hơn thế giới cả triệu đồng
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 16/4, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 47,6 triệu đồng/lượng (mua) và 48,35 triệu đồng/lượng (bán), tăng nhẹ so với cuối ngày 15/3.
Tương tự, các doanh nghiệp lớn khác trong nước hiện cũng phổ biến bán ra vàng miếng quanh mức 48,3 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng thế giới giao ngay chốt phiên gần nhất (15/4 theo giờ Mỹ) đã ở mức 1.716 USD/ounce (trên sàn Kitco), thậm chí giá hiện tại đã tăng lên mức 1.731,4 USD/ounce. Quy đổi ra tiền Việt, mỗi lượng vàng thế giới hiện có giá 49,15 triệu đồng/lượng, tức cao hơn trong nước gần 800.000 đồng mỗi lượng.
Thực tế, kim loại quý thế giới đã vượt trong nước 3 phiên gần nhất do đà tăng mạnh của thị trường.
Lý giải hiện tượng này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), cho rằng phần lớn giới đầu tư đang đổ tiền vào chứng khoán thay vì vàng trong nước.
Chứng khoán Mỹ (Dow Jones) tụt từ mốc 29.000 điểm xuống 18.000 điểm (ngày 19/3), hiện đã tăng trở lại mức 23.000 điểm, cho thấy độ biến động của thị trường quá lớn. Tương tự là thị trường chứng khoán Việt Nam khi có thời điểm giảm về mốc 630 điểm nhưng nay đã tăng lại lên trên 780 điểm (ngày 16/4).
Bênh cạnh đó, những ngày qua Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội, trong khi việc đầu tư chứng khoán chủ yếu qua kênh online, còn việc mua bán vàng phải đi ra cửa hàng vật lý. Hầu hết tiệm vàng hiện nay đều đóng cửa do không phải mặt hàng thiết yếu. Điều này khiến việc giao dịch vàng trong nước khó khăn và thực tế một số doanh nghiệp tại TP.HCM đang phải đóng cửa.
“Giao dịch vàng bị hạn chế rất nhiều về không gian và thời gian, vì vậy giá trong nước không đáp ứng được mặt thời sự so với thế giới. Ngược lại, chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả thế giới và trong nước. Đó là lý do cơ bản nhất để giải thích giá vàng trong nước biến động chậm hơn tốc độ tăng giá của vàng thế giới”, ông Hải nói.
Đã đến lúc mua vàng?
Có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động kinh doanh, đầu tư kim loại quý, ông Hải cho rằng những tín hiệu của thị trường hiện nay cho thấy đây là thời điểm tốt để mua vàng.
Nhà đầu tư vàng có thể mua ở thời điểm này và chờ cơ hội tăng giá đến đầu quý III. Ảnh: T.L. |
Ông nêu lý do, theo đánh giá của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới WB và nhiều tổ chức lớn, kinh tế thế giới năm nay sẽ phát triển chậm, thậm chí là suy thoái nên chứng khoán sẽ không thể duy trì đà tăng được lâu. Trong khi đó, tiền đang tràn ngập thị trường từ các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD của Mỹ và các nước lớn, nên vàng cũng sẽ có cơ hội tăng giá.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng biên độ tăng của vàng và độ xuống của chứng khoán năm nay sẽ không lớn như năm 2008 do dân tài chính đã có kinh nghiệm từ cuộc khủng khoảng năm 2008. Ngoài ra, ngày 3/11 tới đây sẽ là bầu cử tổng thống Mỹ, ngày rất quan trọng với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đó, giá vàng sẽ tăng lên, có thể chạm mốc 1.800-1.900 USD/ounce, và mức cản cuối cùng theo ông Hải là không quá 2.000 USD/ounce (nhưng vẫn vượt đỉnh tháng 10/2011 là 1.900 USD).
Theo vị chuyên gia, hiện tại là đầu quý II, nếu đầu tư vàng có thể nắm giữ đến cuối quý này hoặc đầu quý III có thể chốt lời. Bởi đến tháng 9-10, kinh tế sẽ khởi sắc, vàng chững lại và chứng khoán tăng lên để Tổng thống Trump lấy lợi thế tái đắc cử vào ngày 3/11.
“Trong khi tình trạng thất nghiệp đang tăng mạnh, chắc chắn ông Trump không để chứng khoán giảm điểm quá sâu cũng như nền kinh tế quá xấu. Bằng các quyền lực có trong tay, ông ấy (Donald Trump - PV) sẽ sử dụng các gói kích thích mạnh để kinh tế tăng trở lại trước thời điểm bầu cử", ông Hải nhận định.
Lý giải nguyên nhân chứng khoán thế giới và trong nước tăng mạnh thời gian qua. Ông Hải cho biết đang có hiện tượng "mua non" trên thị trường.
Theo đó, sau khi chỉ số Dow Jones giảm từ 29.000 điểm ngày 12/2 xuống hơn 18.000 điểm, giới đầu tư đã thực hiện lệnh short sell (bán khống) quá nhiều, cả thế giới và Việt Nam. Sau khi thị trường hồi phục lại thì nhà đầu tư phải thực hiện lại lệnh "mua non", qua đó đẩy giá tăng lên. Trong khi thực tế, nhiều mã chứng khoán vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, ngân hàng...
“Ai cũng làm động tác này đã đẩy giá chứng khoán tăng lên nhưng bản chất không phải thị trường tốt lên. Cổ tức vẫn sẽ âm trong năm nay”, ông Hải lưu ý.
(Theo Zing)