|
Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Bộ TT&TT, năm 2009 ngành CNPM&NDS của Việt Nam đã đóng góp 1,5 tỷ USD vào GDP quốc gia, trong đó doanh thu ngành phần mềm đạt 880 triệu USD, dịch vụ nội dung thông tin số là 770 triệu USD - tức là lần đầu tiên đóng góp tương đương với 2% GDP. Tuy nhiên, con số này được nhiều chuyên gia tại buổi Tọa đàm về chính sách phát triển ngành CNPM do Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm (Vinasa) tổ chức mới đây, đánh giá là phát triển chưa “xứng” với tiềm năng của các doanh nghiệp phần mềm Việt. Nhiều ý kiến cũng nhận định rằng, để có được bước phát triển đột phá, có con số ấn tượng hơn trong những năm tiếp theo và giúp Việt Nam có vị trí xứng đáng trong bản đồ CNTT thế giới, thì vấn đề tiên quyết chính là ở trọng trách hoạch định chính sách, Nhà nước liệu có theo kịp thực tế và đưa ra những tháo gỡ “sát sườn” cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hay không?
Loay hoay giữa “mớ bòng bong”
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Đường – quyền Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) khẳng định, hiện nay, các chính sách liên quan đến vấn đề thuế, xuất nhập khẩu thiết bị CNTT, vấn đề hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp, cấp phép dịch vụ CNTT… liên quan đến ngành CNPM&NDS còn nhiều bất cập.
Trao đổi cụ thể về thực trạng này, ông Đường đã dẫn ra một số ví dụ điển hình như câu chuyện sản phẩm phần mềm được Nhà nước ưu đãi thuế suất VAT 0% và dịch vụ phần mềm lại không được ưu đãi – câu chuyện này tưởng chừng như đơn giản thì lại trở nên phức tạp, làm “đau đầu” nhiều doanh nghiệp bởi việc phân định rạch ròi đâu là sản phẩm, đâu là dịch vụ (do hai nội dung này luôn gắn liền với nhau) rất khó khăn. “Do không phân biệt được nên các doanh nghiệp rất lúng túng để xác định mình thuộc đối tượng được, hay không được miễn thuế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi”, ông Đường nhấn mạnh.
Về việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, phần lớn doanh nghiệp nước ngoài khi đăng ký kinh doanh tại Việt Nam cần được ghi đích danh dịch vụ họ được cấp phép, tuy nhiên, trong khi đó thì danh mục đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hiện nay lại mới có duy nhất một ngành là “dịch vụ CNTT”. Về vấn đề này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể “vui” do luật quy định như thế sẽ “giúp” phạm vi hoạt động của họ được mở rất rộng, thế nhưng doanh nghiệp nước ngoài thì ngược lại, họ muốn ghi đích danh lĩnh vực hoạt động trong giấy phép kinh doanh để làm cơ sở thuyết trình với cổ đông chứ không thể chung chung. Ông Đường cũng dẫn ra hàng loạt bất cập khác như hiện nay bất cứ ai cũng có thể làm dịch vụ tư vấn về CNTT và có thể dùng chứng chỉ tư vấn của ngành… Xây dựng; lợi dụng cơ chế hiện hành, trong thời gian qua có một số dự án ban đầu khi xin cấp phép xây dựng đã đưa ra với mục đích lập khu CNTT để hưởng ưu đãi của Nhà nước, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi xây xong đã làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng để cho thuê văn phòng khiến các doanh nghiệp phần mềm khi vào thuê không được ưu đãi…
|
Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp CNPM&NDS quảng bá sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp. |
Gỡ rối cách nào?
Ông Chu Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung nhận định: Đối với ngành công nghiệp phần mềm, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều đi lên từ những cơ sở rất hạn chế về vốn, khó có điều kiện để thế chấp vay mua tài sản. Thực tế thời gian qua cho thấy, có doanh nghiệp sản phẩm dù chất lượng tốt nhưng do chưa hiểu cách thức cạnh tranh nên nhanh chóng suy yếu trên thị trường. Chính vì thế, Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp như có thể hỗ trợ cho thuê văn phòng dài hạn, duy trì ưu đãi thuế để các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội bước chân ra thị trường cạnh tranh với doanh nghiệp có tên tuổi…
Đưa ra “gợi ý” cho Nhà nước, ông Vũ Hoàng Liên – Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC cho rằng muốn tạo sự phát triển cho các doanh nghiệp CNPM&NDS trong nước thì điều cần thiết Nhà nước phải nhìn nhận từ góc độ thị trường. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp luôn băn khoăn là “sản phẩm làm ra chất lượng ngang bằng hay thua kém của nước ngoài”. Thậm chí, nhiều đơn vị phải cho sản phẩm của mình “đội mũ” thương hiệu nước ngoài để hi vọng bán được... Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, xuất phát từ thực tế như vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn, đào tạo, phát triển thương hiệu… cho các doanh nghiệp, thử nghiệm sử dụng phần mềm để chứng minh, khẳng định chất lượng và từ đó làm điều kiện phát triển thương mại hóa. Đồng quan điểm, ông Hà Thế Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ Viễn thông CMC đặt vấn đề: Bộ KH&CN có chính sách về sản xuất thử, hỗ trợ 30% chi phí cho doanh nghiệp để thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường, vậy nên chăng ngành CNTT cũng áp dụng cách làm đó? Ông Minh cũng nhấn mạnh: “Đâu đó hiện nay vẫn phổ biến chuyện các cơ quan Nhà nước hoạt động theo kiểu “tự sản tự tiêu”. Nên chăng, Nhà nước cần có định hướng khuyến khích các đơn vị đi thuê ngoài hơn là việc tự làm mọi thứ từ các dịch vụ CNTT, viết phần mềm rồi thậm chí là sản xuất để bán ra thị trường để cạnh tranh với… chính các doanh nghiệp phần mềm”.
Các chính sách, văn bản luật của Nhà nước hiện chưa theo kịp hoặc còn chưa sát với sự phát triển của ngành CNTT nói chung, lĩnh vực CNPM nói riêng. Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng cơ chế chính sách về dịch vụ CNTT, Nghị định về khu CNTT tập trung, hoàn thiện cơ chế chính sách mua sắm CNTT, xây dựng định mức cụ thể về phần mềm, phần mềm nguồn mở, lập dự án, thông tư hướng dẫn triển khai các công trình CNTT… Theo ông Nguyễn Trọng Đường, quyền Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, “để có những quy định bám sát với thực tế, rất cần tiếng nói đóng góp trực tiếp từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước”.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 50 ra ngày 26/4/2010.