Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 609 sửa đổi, bổ sung Quyết định 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 225).

Cũng theo Quyết định 609 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung quy định nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nội dung cải cách thủ tục hành chính (trừ nhiệm vụ tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020); chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp tính chi phí thực hiện thủ tục hành chính; chủ trì việc hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc cải cách thủ tục hành chính; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, vận hành Mạng thông tin hành chính điện tử Chính phủ và Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng bổ sung cơ quan thực hiện nhiệm vụ “tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020”. Cụ thể, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.

Trong Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định 225, Thủ tướng Chính phủ đã xác định hiện đại hóa hành chính là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều giải pháp được tập trung triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 như: Hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương.

Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ và Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và  trong giao dịch với tổ chức, cá nhân; phát triển, tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin quy mô quốc gia, tạo lập môi trường mạng, chia sẻ thông tin rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước.

Đồng thời, phát triển các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; bảo đảm triển khai đồng bộ với việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia, thống nhất ứng dụng CNTT hiệu quả và toàn diện tại Bộ phận tiếp nhận và  trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng…

Đặc biệt  là, ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần trong một năm cá nhân, tổ chức phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính. Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020 là 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức 4; 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 90% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; tỷ lệ cấp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt  10%...