Tại một trại tập trung gia súc ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, mỗi ngày các công nhân này sẽ bơm nước vào lợn ba lần, mỗi lần từ 25 đến 30 phút. Sau đó, tài xế sẽ đem số lợn đã bơm nước giết mổ tại lò giết mổ gia súc tập trung cách đó khoảng 2km.
Khi lực lượng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an tỉnh Đồng Tháp đến kiểm tra thì mọi hoạt động đột ngột ngừng hẳn. Tại hiện trường, gần chục con lợn đang bị khớp mỏ, ống nhựa được thọc sâu vào miệng để bơm nước.
Đại tá Nguyễn Văn Đúng – Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: “Thời gian qua, hành vi bơm nước vào heo xảy ra trên địa bàn tỉnh khá phổ biến, hành vi này vi phạm nghiêm trọng về pháp luật, về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc bơm nước vào heo nhằm làm tăng trọng lượng cho thịt heo làm cho người giết mổ thu lợi bất chính, làm người tiêu dùng thiệt hại về vật chất. Do heo bơm nước thì phẩm chất thịt nó bị giảm, người tiêu dùng khi sử dụng thịt này không còn tươi ngon như thịt heo bình thường".
Theo số liệu thống kê, trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra trên 200 lượt, qua đó đã phát hiện 56 trường hợp vi phạm, và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 300 triệu đồng.
Theo quy định của Nghị định 119/CP, đối với hành vi bơm nước vào động vật trước khi giết mổ sẽ bị xử phạt từ 5 đến 6 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt trên chẳng thấm vào đâu khi những cơ sở này mỗi ngày thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng. Nguy hại hơn, nếu nước bơm vào lợn là nước bẩn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi đó, việc xử lý lại gặp rất nhiều khó khăn vì trước khi lợn được đưa vào lò, các chủ lợn đã bơm nước ở nhà hoặc một điểm tập trung nào đó nên rất khó phát hiện xử lý. Mặt khác, theo quy định khi đưa lợn vào lò phải lưu giữ 6 giờ đồng hồ trước khi giết mổ và khi đóng cửa lò thì chỉ có cán bộ thú y và chủ lò mới được ở trong lò giết mổ. Tuy nhiên tại một số lò, khi đóng cửa vẫn còn rất nhiều công nhân, chỉ cần có sơ suất sẽ tiến hành bơm nước vào lợn tại lò.
Ngoài hành vi bơm nước vào lợn, qua công tác kiểm tra lực lượng chức năng còn phát hiện trường hợp mang lợn đã chết đến mổ và chế biến nhưng chưa qua kiểm dịch.
Bên cạnh đó hoạt động giết mổ tại một số lò giết mổ gia súc tập trung vẫn chưa đảm bảo về vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, nước thải trực tiếp ra môi trường, các chất thải rắn như phân, lông, và phế phẩm của gia súc để bừa bãi, không được thu gom và xử lý.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ cho người tiêu dùng, từ đây đến sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, lực lượng chức năng sẽ tăng cường ra quân kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tại các quầy hàng có uy tín, chất lượng, lựa chọn miếng heo có màu đậm, có độ đàn hồi cao, thớ thịt săn chắc. Những sản phẩm thịt có màu nhạt, thịt nhũng nhão, ấn vào để lại dấu tay sẽ có nguy cơ là lợn đã bị bơm nước./.
Theo ANTV