Trên mạng xã hội Facebook mấy ngày nay ồn ào xung quanh câu chuyện cái cân đặt trước cửa lên máy bay của một hãng hàng không. Nhiều người cho rằng, đó là chiếc cân "khốn cùng” dùng để kiểm tra lại hành lý của khách, quá 7kg phải đóng tiền, mặc dù trước đó đã có cân ở quầy check in.

Cần phải nói rằng, cái cân “khốn cùng” đó không chỉ có ở một hãng máy bay của Việt Nam, mà có ở nhiều hãng máy bay trên thế giới. Vì sao nó tồn tại, đơn giản vì còn có nhiều người không chấp hành quy định của hãng hàng không.

{keywords}
Chiếc cân hành lý được đặt trước cửa lên máy bay cảu một hãng hàng không

Một chiếc máy bay 230 ghế ngồi, nếu ai cũng không chấp hành quy định, quá 1 - 2 kg, sẽ là bao nhiêu kg hành lý xách tay. Như vậy, sẽ không đủ chỗ cho toàn bộ hành khách cất hành lý đúng theo quy định an toàn bay. Với hàng không giá rẻ, thêm một ghế ngồi là giảm bớt giá vé cho hành khách, đó là mô hình kinh doanh phục vụ hàng triệu hành khách có nhu cầu đi máy bay tiết kiệm chi phí.

Vì thế, khi vượt quá trọng lượng hành lý so với khoang chứa hành lý, sẽ không đảm bảo xếp chỗ cho 230 khách, giá vé sẽ cao hơn, thiệt hại bị đẩy về phía hành khách muốn đi vé giá rẻ.

Hãng máy bay quy định không quá 7kg hành lý xách tay thì hành khách hãy nghiêm túc chấp hành, đó là văn minh, là công bằng giữa tất cả hành khách. Hành khách có quyền không chọn hãng máy bay đó, nhưng khi đã lựa chọn, không thể làm trái với quy định.

Còn vì sao đã cân ở quầy check in, lại còn đặt một chiếc cân trước cửa vào máy bay, câu trả lời xuất phát từ thực tế không ít người khi vào check in, bỏ bớt hành lý ra để cân đủ trọng lượng, nhưng sau đó thêm hành lý vào. Chính sự không trung thực của một số hành khách khiến cho hãng máy bay phải cân lần hai. Điều này chỉ mất thì giờ và làm chậm đi quá trình vận hành bay, hãng máy bay chịu thiệt thòi.

Cho nên, nếu hành khách nào cũng chấp hành đúng quy định, thì cái cân “khốn cùng” kia không thể xuất hiện, và cho dù có, nó cũng trở thành vô nghĩa. Ai hay đi các hãng hàng không nước ngoài sẽ thấy, hãng hàng không quốc tế thu phí rất cao hành lý quá cân và khách nghiêm túc nộp thêm tiền dù chỉ thừa 3,4 lạng.

Cách đây không lâu, một doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam đã phải trả thêm 160 EURO cho hãng EASYJET vì chiếc túi xách thứ hai, nặng chỉ 1kg (trong khi giá vé máy bay chỉ 60 EURO, chặng Paris - Toulouse).

Các hãng ở châu Á như AirAsia, NokAir; Scoot cũng thu thêm giá từ 800 - 1 triệu đồng/gói hành lý từ 15-20kg và 370.000 đồng/kg hành lý quá cân ở quầy Check - in.

Nếu không có bất cứ ai xách tay hành lý quá quy định để hãng máy bay không thu thêm một đồng nào, đó là mong muốn rất lớn của hãng máy bay.

Hãng máy bay đặt chiếc cân không phải mục đích làm giàu từ một vài hành khách thực hiện sai quy định, mà mong muốn tất cả mọi hành khách phải chấp hành đúng quy định, đảm bảo công bằng đối với mọi hành khách. Và quan trọng hơn là xây dựng văn hóa, văn minh cho ngành hàng không Việt Nam.

Văn hóa, văn minh của một đất nước được xây dựng nên từ tính kỷ luật và sự trung thực của công dân.

(Theo Báo Giao thông)