Văn hóa ứng xử trong trường học được hiểu là hệ giá trị thể hiện qua thái độ, hành vi và ngôn ngữ của các thành viên trong nhà trường, tuân thủ chuẩn mực văn hóa và đạo đức được xã hội thừa nhận. Do đó, việc xây dựng và duy trì văn hóa ứng xử trong trường học là một yêu cầu cần thiết, không chỉ để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp phát triển nhân cách của học sinh.

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn phải là nơi bồi dưỡng con người những chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Việc mỗi cá nhân ý thức được ứng xử có văn hóa sẽ góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, tạo sự đoàn kết trong tập thể. Đây là cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục cho nhà trường.

thuathienhue.jpg

Hiện nay trên cả nước, nhiều trường học đã áp dụng các mô hình nhằm xây dựng văn hóa ứng xử tích cực, qua đó góp phần tạo dựng môi trường giáo dục thân thiện và hiệu quả. Chẳng hạn tại Cà Mau, Trường THPT Trần Văn Thời đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học dựa trên các quy chế, quy định về đạo đức, kỷ luật trong môi trường giáo dục cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Điều này góp phần tạo ra những chuyển biến tốt về môi trường văn hóa trong trường học.

Ngoài chú trọng vào các vấn đề chuyên môn, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp thầy và trò có cơ hội giao lưu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Học sinh được tham dự nhiều buổi tuyên truyền của trường, từ sinh hoạt dưới cờ đến tiết học Giáo dục công dân, qua đó các em được rèn khả năng quản lý cảm xúc và cư xử chuẩn mực với bạn bè, thầy cô. Nhà trường cũng đặt các bảng quy tắc, khẩu hiệu ở nhiều nơi trong trường nhằm khuyến khích học sinh có nhận thức đúng đắn và hành động đẹp trong ứng xử.

Còn tại Trường THPT Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế), ngôi trường này luôn chú trọng giáo dục văn hóa học đường gắn liền với các giá trị văn hóa đặc trưng của cố đô Huế, chẳng hạn những chuẩn mực lễ phép trong giao tiếp, yêu thương, vị tha, biết ơn đối với thầy cô, cha mẹ.

Văn hóa “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) cũng được khuyến khích trong mỗi hành động của học sinh. Ngoài ra, trường còn chú trọng đến trang phục học sinh sao cho lịch sự, nhã nhặn, đậm nét bản sắc văn hóa Huế.

Hay tại Trường Tiểu học Ái Mộ B (Hà Nội), học sinh được rèn luyện các nguyên tắc ứng xử hàng ngày như lễ phép chào hỏi, tinh thần đoàn kết và tôn trọng truyền thống lịch sử. Các em cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển các kỹ năng sống cần thiết.

Giáo viên và học sinh của nhà trường đều tâm niệm “Tập thể lớp là một gia đình” và “Nhà trường là một đại gia đình”, luôn luôn mong muốn và góp phần xây dựng để “gia đình” là điểm tựa, nguồn vui, niềm tin, niềm tự hào cho từng học sinh mỗi ngày đến trường.

Theo lãnh đạo một trường THCS ở Ba Đình (Hà Nội), để xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, những mô hình trường học hạnh phúc, trường học xanh, sạch, đẹp cần được nhân rộng để tạo nên những ngôi trường có môi trường học tập an toàn, thân thiện, tôn sư trọng đạo, giáo dục hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho các em học sinh, sinh viên.

“Việc rèn luyện văn hóa ứng xử rất có ích đối với sự phát triển và trưởng thành của học sinh. Điều đó không chỉ góp phần hạn chế những vấn đề tiêu cực trong môi trường học đường, xã hội mà giúp học sinh hình thành những phẩm chất đạo đức, tình cảm tốt đẹp, từ đó trở thành những công dân có trách nhiệm, có nhân cách trong xã hội”, vị này nói.

Thời Vũ