Văn hóa tiền tip ở mỗi quốc gia đều khác nhau, có nơi “tùy tâm”, có nơi bắt buộc và có nơi được cộng dồn trực tiếp vào hóa đơn.
Tiền tip được hiểu là tiền boa, tiền cho thêm của khách hàng với nhân viên nhằm thể hiện sự hài lòng cũng như cảm kích của họ về chất lượng dịch vụ ở đó.
Đối với tour du lịch quốc tế (outbound), hầu hết các hãng lữ hành đều thu trước tiền tip khi đóng tiền tour trước khi đi. Mức phí tip thường từ 3 đến 6 hay 10 USD/người/ngày tùy đi châu Á hay châu Âu, Mỹ. Nếu không thu trước thì trên tờ chương trình tham quan của công ty cũng nhắc khéo, tiền tour không bao gồm tiền tip và đến ngày về nước, bao giờ HDV đoàn cũng thu công khai của khách.
Tuy nhiên, đối với các tour nội địa (inbound), việc tip hay không lại phụ thuộc phần lớn vào văn hóa tip của khách quốc tế. Trên thế giới, việc tip tiền cho nhân viên phục vụ cũng chia ra làm nhiều xu hướng khác nhau.
Điều này đã trở thành một quy luật bất thành văn đối với khách tại Mỹ, cả khi sử dụng dịch vụ lưu trú tại khách sạn hoặc dùng bữa tại nhà hàng. Khi nghỉ ở khách sạn, người Mỹ thường tip cho nhân viên buồng phòng khoảng 2-5 USD/đêm, tùy vào thái độ phục vụ và hạng sao của khách sạn. Với nhân viên hành lý, khách Mỹ sẽ chi 1-5 USD cho mỗi va li hành lý, túi xách lớn hay số tầng khách sạn.
Người Mỹ thường thưởng tiền tip từ 15-20% trên tổng giá trị hóa đơn khi ăn uống tại nhà hàng. Tuy nhiên, nếu hóa đơn đã ghi sẵn "service charge" hoặc "gratuity" thì họ sẽ không trả tip thêm nữa.
Tại Brazil, thông thường có khoảng 10% phí dịch vụ được thêm vào hóa đơn. Nhưng nếu không có, 15% giá trị hóa đơn là một khoản tiền tip hợp lý.
Trong khi đó, người Pháp thường đưa tiền tip khá cao. Người dân nơi đây vốn nổi tiếng lịch thiệp nên họ không bao giờ quên thưởng tiền cho nhân viên phục vụ. Khoản tiền tip tại đây khá cao, có thể ngang ngửa với Mỹ, thậm chí còn nhiều hơn. Nhiều nơi, phí phục vụ được cộng vào hóa đơn 15%. Tuy nhiên, khách vẫn đưa thêm một khoản tiền nhỏ thay cho lời cảm ơn. Đôi khi, chỉ là tách cà phê, một lon nước ngọt nhưng khách vẫn sẵn sàng tip cho bồi bàn tới 5 euro.
Rất nhiều quốc gia khá 'thoáng' trong vấn đề này nhưng vẫn có không ít những quốc gia nói 'không' với văn hóa tip tiền. Đơn cử như tại Nhật Bản, nơi đây coi tip tiền cho nhân viên phục vụ là một hành động thô lỗ. Khách Nhật quan niệm rằng, phục vụ là trách nhiệm của nhân viên và nó hoàn toàn tương xứng với mức lương được trả. Vì vậy, khách hàng vẫn sẽ vẫn nhận được chất lượng dịch vụ tốt nhất mà không cần phải tốn thêm khoản tiền nào.
Giống như người anh em châu Á, tip tiền cho nhân viên phục vụ cũng bị coi là hành động xúc phạm tại Trung Quốc. Hầu như các nhà hàng, khách sạn nhà nước đều bị cấm nhận tiền tip từ khách du lịch.
Trở lại với Việt Nam, tiền tip là khoản không bắt buộc. Việc bồi dưỡng thêm hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong vài trường hợp "tiền bo" thậm chí còn hàm ý tiêu cực. Theo những người làm du lịch lâu năm, văn hóa tiền tip ở Việt Nam khá đặc biệt, có sự khác biệt theo vùng miền, nhóm khách hàng và loại hình dịch vụ.
Ở các khách sạn 5 sao hoặc nhà hàng cao cấp, tiền tip thường được tính trực tiếp vào hoá đơn nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng "bo" thêm nếu thấy hài lòng. Nhưng với những nhà hàng, dịch vụ bình dân thì hầu như không có khoản tiền này dù chất lượng phục vụ tốt, nhân viên nhiệt tình. "Đôi khi tiền tip còn là cách để người ta chứng tỏ đẳng cấp của mình", một khách hàng cho biết.
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng về việc khách phải trả tiền tip cho hướng dẫn viên. Vì vậy, việc tip cho HDV hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng, có người có, có người không, kể cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đã đưa ra thông báo về việc bổ sung quy chế Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc.
Cụ thể, theo văn bản này, mức phí phục vụ với khách Việt Nam là 25.000 đồng/người/ngày, khách khu vực châu Á là 2 USD/người/ngày còn khách du lịch từ các khu vực khác có mức thu là 4 USD/người/ngày. Quy định bắt đầu từ ngày 15/5/2022.
Quy định mới này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo nhiều người, tiền tip này thực chất là phí phục vụ nhằm hỗ trợ thu nhập chính thức của HDV do công tác phí còn thấp. Việc ra quy định rõ ràng như vậy sẽ không gây khó khăn cho HDV và khách hàng. Nếu có hội viên HDV nào thực hiện thu phí, họ sẽ không bị xem là vi phạm đạo đức tư cách hội viên và không bị khách phàn nàn hoặc thưa kiện.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chưa đồng tình với quy định này. Anh T.N chia sẻ: "Việc thu tiền tip có thể gây khó chịu cho du khách. Là khách tôi cũng không muốn đi những chỗ có văn hóa tip không thành văn. Chứng tỏ việc trả lương nhân viên không đủ, mình cũng không muốn ủng hộ cho nó tồn tại."
Hay bạn G.N cho hay, việc thu phí phục vụ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng HDV, bởi nếu thu vậy HDV sẽ không có sự cố gắng, làm tốt hay không làm tốt cũng đều có tiền phí phục vụ, vì ai cũng được hưởng số tiền bằng nhau.
Thực tế hiện nay, ở trong nước, nhiều nhà hàng, quán cafe,... đã áp dụng phí phục vụ mà khách vẫn chấp nhận và trả tiền bình thường. Nếu không hài lòng, khách hàng toàn có thể chọn quán khác, không ai có thể ép họ phải đến nơi có thu phí phục vụ.
Có thể thấy, việc thu phí phục vụ du khách sẽ còn là vấn đề tranh luận lâu dài, khi hiện nay trong tâm lý của một bộ phận du khách vẫn mong muốn đi tour giá rẻ và các công ty lữ hành đang cố gắng cạnh tranh với nhau bằng giá.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Phú Quốc quy định thu tiền típ: Bắt buộc hay tự nguyện vui vẻ
Việc thu phí phục vụ khách sẽ còn gây tranh cãi, khi hiện nay tâm lý của một bộ phận khách du lịch Việt Nam vẫn mong muốn đi tour giá rẻ và các công ty lữ hành đang cố gắng cạnh tranh với nhau bằng giá.