Việc tiếp tục điều chỉnh nhiều chính sách mới, cùng với tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm giao thông từ phía các lực lượng chức năng đã khiến nhiều thói quen xấu của cánh tài xế buộc phải thay đổi.

Dưới đây là một số hành vi, thói quen hoặc trào lưu tích cực trong văn hoá lái xe năm vừa qua:

"Dám" nói lời từ chối rượu bia khi lái xe

Mức xử phạt rất cao của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cộng với việc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các "me men" sau tay lái khiến nhiều tài xế "rén" khi cầm chén rượu, cốc bia. Từ đó, việc không sử dụng rượu bia khi lái xe đã và đang được đa số cánh tài xế ủng hộ và tuân thủ triệt để.

kiem tra nong do con.jpg
Cánh tài xế ngày càng ngại uống rượu bia và "dám" từ chối nếu bị mời. (Ảnh: Hoàng Giám)

Đến nay, “đã uống rượu bia thì không lái xe” không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã được cánh tài xế ghi nhớ nằm lòng. Câu nói: “Thông cảm, tôi phải lái xe”, đã trở thành một tấm “kim bài miễn uống” cho cánh tài xế trong những cuộc nhậu. Bớt đi một “ma men” có nghĩa là bớt đi một mối nguy hiểm lớn khi ra đường.

 Với mức phạt lên đến 40 triệu đồng, tước GPLX đến 24 tháng đã khiến nhiều tài xế dù muốn hay không cũng phải cân nhắc và đành “đặt chén rượu xuống” trước khi cầm vô-lăng. 

Đi chuẩn vì... sợ phạt nguội

Nếu như những năm trước, hình ảnh ô tô, xe máy vô tư vượt đèn đỏ khi thiếu vắng bóng dáng của lực lượng chức năng xảy ra “như cơm bữa”, thì gần đây, hành vi này đã có xu hướng giảm mạnh, nhất là tại các thành phố lớn. Lý do chính là trong năm vừa qua, lực lượng CSGT đã đẩy mạnh phạt nguội thông qua camera giám sát và còn từ hình ảnh mà người dân cung cấp.

CSGT tuan tra.jpg
CSGT tuần tra kết hợp phạt nguội trên đường Vảnh đai 3 - Hà Nội. (Ảnh: Đình Hiếu)

Giờ đây, chỉ cần một pha vượt đèn đỏ, một lần đi sai làn, một cú "mát ga" chạy quá tốc độ, hay dừng đỗ sai quy định là vài hôm sau, phương tiện có thể bị "bêu tên" lên các cổng thông tin và các trang mạng xã hội.

Lái xe lỡ có "dính" phạt nguội không chỉ bị mất tiền, mất thời gian mà nếu không nộp đúng hẹn sẽ khó khăn khi tới cửa đăng kiểm. Từ tâm lý “sợ” bị phạt, cánh lái xe đã hình thành thói quen tham gia giao thông một cách ngay ngắn, trật tự hơn.

Chủ xe chăm chút "xế cưng" hơn

Trong năm vừa qua, những "lùm xùm" của ngành đăng kiểm khiến việc kiểm tra kỹ thuật đối với xe cơ giới bị siết chặt. Những chiếc xe không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, khí thải, hay tự ý độ chế sai quy định đều bị "tuýt còi", bắt khắc phục.

Điều này vô hình trung đã tạo nên sự tích cực trong thói quen chăm sóc xe, khi giờ đây, những chiếc ô tô đã nhiều năm sử dụng đều cần được chủ nhân của chúng chăm sóc, bảo dưỡng và đảm bảo về mặt kỹ thuật một cách thực chất hơn, thay vì việc chăm sóc qua loa, đối phó như trước.

dang-kiem-o-to.jpeg
Chủ xe cũ ngày càng chăm chút và đảm bảo về mặt kỹ thuật nhiều hơn khi đến cửa đăng kiểm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Học lái xe đi vào thực chất

2023 tiếp tục là năm đổi mới của việc dạy và học lái xe khi một loạt quy định mới theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT có hiệu lực như học với thiết bị giám sát người lái và quãng đường (DAT), phần mềm mô phỏng tình huống giao thông, học trên ca-bin ảo,...

Chính việc áp dụng hàng loạt công nghệ, thiết bị giám sát này giúp việc dạy và học lái xe được rõ ràng, minh bạch hơn. Việc một học viên thi 4-5 lần mới đỗ là chuyện hết sức bình thường. Quan trọng nhất, học viên ngày nay sau khi hoàn thành khoá học hoàn toàn có thể tự tin lái xe ra đường một cách an toàn.

ca bin hoc lai xe.jpeg
Học viên học lái xe ô tô ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ và các phần mềm mô phỏng. (Ảnh: B.H)

Văn hoá nhường đường và ứng xử khi được nhường

Việc nhường đường cho người đi bộ sang đường tại nơi quy định đã được ghi rõ trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhưng trên thực tế, rất hiếm tài xế quan tâm đến vấn đề này. Tuy vậy, một tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều người điều khiển ô tô, xe máy đã chủ động nhường đường cho người đi bộ hoặc những phương tiện khác di chuyển trước khi đến ngã rẽ.

Trong năm vừa qua, hình ảnh những lái xe đi chậm, thậm chí dừng hẳn lại để người đi bộ sang đường được chia sẻ rất nhiều trên báo chí và mạng xã hội, giúp lan toả những điều tốt đẹp phía sau tay lái. Ngược lại, chỉ cần một cái gật đầu hay giơ tay cảm ơn có lẽ là phần quà đáng giá nhất cho mỗi tài xế biết nhường nhịn.

cui dau khi duoc nhuong duong.jpg
Một nữ sinh cúi đầu cảm ơn bác tài khi được nhường đường. (Ảnh: Thanh Hải)

Để xây dựng và hình thành một vài thói quen và rộng ra là một trào lưu tốt đẹp trong cộng đồng cần rất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động và đặc biệt là không thể thiếu những chế tài xử lý.

Những trào lưu, thói quen tốt khi được lan toả, chia sẻ từ cộng đồng sẽ tạo nên mảng màu tươi sáng, giúp điểm tô cho bức tranh văn hoá giao thông muôn màu sắc trong năm mới 2024.

Hoàng Hiệp (ghi)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!