Năm cũ qua đi cũng là thời điểm để cánh lái xe cùng soi chiếu, nhìn lại những thói quen còn chưa đẹp của chính mình và những người xung quanh  qua đó cải thiện, nâng cao văn hoá giao thông trong năm mới.

Dưới đây là 10 thói quen "xấu xí", vẫn đâu đó xuất hiện đường trong vừa năm qua:

1. Đỗ xe "kém duyên"

Năm vừa qua, câu chuyện đỗ xe tại các thành phố lớn vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng. Dù trên nhiều tuyến phố có biển cấm dừng đỗ xe to chình ình, thế nhưng hai bên vẫn xuất hiện hàng dài xe đỗ kín mít, chỉ chừa ra một lối nhỏ, cứ có ô tô đi vào là lại tắc cứng.

dau xe vo y thuc.jpeg

Hay rất nhiều lái xe vô tư đỗ xe bưng kín mặt tiền của một cửa hàng từ sáng đến trưa khiến chẳng ai ra vào được. Trên xe cũng không để lại số điện thoại liên lạc. Nhiều chủ nhà vì quá giận dữ đã lấy sơn xịt đầy lên xe cho “bõ tức” rồi chụp ảnh, đăng lên mạng.

Giá như lái xe đỗ gọn gàng, biết “nhìn trước nhìn sau”, hay tối thiểu là để lại số điện thoại để liên lạc khi cần thì mọi chuyện đã không đến mức như vậy.

2. Lái xe khi đã sử dụng rượu bia

Tuy mức phạt cho các "ma men" sau tay lái  đang ở mức rất cao, có thể đến 40 triệu đồng và tước GPLX đến 2 năm, thế nhưng, số biên lai xử phạt cho các tài xế "ma men" ngày càng tăng lên nhanh chóng.

Trên thực tế, rất nhiều người không nỡ từ chối chén rượu, cốc bia trong mỗi dịp gặp gỡ, để rồi cầm lái gây mất an toàn, thậm chí tai nạn cho người khác. Đã đến lúc, cộng đồng lái xe cần phải xây dựng cho mình “văn hoá từ chối” rượu bia một cách nghiêm túc hơn.

3. Che, tẩy xoá biển số để tránh phạt nguội

Rất nhiều hình ảnh ô tô che biển số, dán băng keo hoặc tẩy xoá để "biến hình" để tránh phạt nguội, thậm chí còn khiến những phương tiện khác bị oan.

Rõ ràng, việc một số tài xế bằng cách này hay cách khác cố tình che, thay đổi biển số rõ ràng là có động cơ không trong sáng. Nếu chưa ra đường đã nghĩ đến việc lái ẩu, dùng chiêu trò để đối phó, trốn tránh trách nhiệm thì liệu việc lái xe có an toàn?

4. Sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khi va chạm trên đường

Năm 2022, vô số vụ việc những tài xế sau va chạm có hành vi chửi bới, thách thức, thậm chí hành hung nhau sứt đầu mẻ trán được báo chí và mạng xã hội đăng tải. Để rồi, cả hai bên ít nhiều đều thiệt thòi, không chỉ về sức khoẻ, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến danh dự, thậm chí có người lâm vào cảnh tù tội.

Rõ ràng, bạo lực là cách để thị uy sức mạnh, giải phóng cơn giận dữ nhưng cũng thể hiện sự coi thường luật pháp, thiếu văn hoá của những kẻ thích dùng nó mỗi khi va chạm giao thông.

va cham giao thong 16402615.jpeg

5. Bật đèn pha vô tội vạ

Những ai hay lái xe vào ban đêm chắc không lạ gì với những chiếc đèn pha chiếu thẳng vào mắt mình. Nhiều ô tô được chủ xe độ thêm dàn đèn siêu khủng, mỗi lần “giương pha” khiến lái xe đối diện lâm vào tình trạng “mù tạm thời’, vô cùng nguy hiểm. Nhiều lái xe còn không "thèm" hạ pha khi đi trong phố, vừa vô duyên, vừa vô ý thức.

Chỉ cần lái xe có ý một chút, luôn để đèn ở chế độ “cos”, chỉ bật pha cao khi đi đường trường, đường đèo và không có xe đối diện thì chắc hẳn ai cũng vui.

6. Lạm dụng còi xe

Tương tự như việc bật đèn pha, nhiều tài xế sẵn sàng bấm còi inh ỏi, giục giã những xe phía trước di chuyển ngay cả khi đèn đỏ còn 5-6 giaay như “sợ” họ không nhìn thấy đèn. Hay nhiều đoạn đường đã có biển cấm bấm còi xe rõ rành rành, thế nhưng, nhiều lái xe dường như không nhìn thấy biển cấm, vẫn bóp còi lấy được dù chẳng đáng phải còi.

Thậm chí, nhiều xe khách, xe tải lắp thêm còi công suất cao, sử dụng một cách vô tội vạ khiến người đi đường đinh tai nhức óc, thậm chí có trường hợp bị giật mình khi nghe tiếng còi đã ngã ra đường dẫn tới thương vong. Văn hoá sử dụng còi xe vẫn khá “xa xỉ” với nhiều tài xế Việt.

7. Vô tư ném rác ra đường 

Không ít trường hợp lái xe hoặc người ngồi trên ô tô thản nhiên hạ kính xuống rồi xả thẳng ra đường những chai nước, tờ giấy ăn hay vỏ bánh kẹo,... những người đi xung quanh chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Có thể thấy, vô tư xả rác không chỉ là thói quen vô cùng xấu xí không chỉ của "dân thường" mà còn của một số người ở tầng lớp được coi là thương lưu trong xã hội. Đúng là có tiền chưa chắc đã mua được ý thức.

nem rac ra duong.jpeg

8. Thắt dây an toàn kiểu đối phó

Dây an toàn là bộ phận rất quan trọng trên ô tô mà những người ngồi trong bắt buộc phải cài. Thế nhưng, nhiều người lại cài ra đằng sau hoặc sử dụng chốt giả cắm vào với mục đích đỡ bị chiếc xe "nhắc nhở". Thế nên, những chiếc chốt cài dây an toàn được bán tràn lan với giá chỉ vài chục nghìn và đã rất nhiều người đặt hàng để sử dụng.

Có vẻ như nhiều người nghĩ rằng đeo dây an toàn là vướng víu, khó chịu, mất thời gian. Nhưng đến khi tính mạng bị đe doạ thì… hối không kịp.

9. Đi xe vào làn khẩn cấp

Nếu di chuyến trên các tuyến cao tốc hay đường vành đai trên cao, không khó có thể bắt gặp những chiếc ô tô thản nhiên đi vào làn đường khẩn cấp cho nhanh dù lượng phương tiện không quá đông.

Ngược lại, nhiều tài xế đi trên cao tốc với tốc độ "rùa bò" nhưng vấn nhất quyết bám làn đường bên trái, phần nào gây cản trở và ức chế cho các phương tiện khác.

đi vao lan khan cap.jpg

10. Lái xe trời mưa kém duyên, tạt ướt xe máy xung quanh

Không ít người đi xe máy trời mưa nhưng không ướt bởi nước mưa mà bởi loại nước khác từ dưới đường té lên khiến cả người và xe lấm lem. Nếu những người lái ô tô chú ý quan sát và "có tâm" hơn khi đi vào những vũng nước mưa thì các phương tiện bên cạnh sẽ bớt khổ.

Tất cả những thói quen xấu xí nói trên không chỉ bị luật pháp nghiêm cấm mà còn thể hiện sự kém văn minh, bị xã hội và ngay cả cộng động lái xe lên án. Việc thay đổi thói quen “xấu xí” trong một sớm một chiều là không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được, điều đó tuỳ thuộc vào chính ý thức của mỗi người khi cầm lái ra đường.

Hoàng Hiệp (t/h)

Bạn có góc nhìn nào với những thói quen "xấu xí" trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mọi tin bài cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy - Báo VietNamNet qua email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!