Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, nhằm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chính vì vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị - văn hóa rất quan trọng, phản ánh tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

{keywords}
Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Có nghĩa là, dân tộc Việt Nam muốn xây dựng và phát triển đất nước, nhất định phải phát triển văn hóa. Theo Người, văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, phát minh ra, theo đó lẽ tất nhiên, văn hóa xuất phát từ con người và phải đem văn hóa để giải phóng con người, trước hết là giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công và được phát triển toàn diện.

Cho nên, nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Người: Văn hóa là động lực, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa là một mặt trận, mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận ấy, văn hóa phục vụ quần chúng nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc - khoa học - đại chúng”…

Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Do đó, quá trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là qua 35 đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới trên lĩnh vực văn hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện sâu sắc hơn. Các loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”. Kết quả đó là sự hiện thực hóa quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước từ khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng đến nay.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển kinh tế tri thức, cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực như hiện nay, cần tập trung vào những giải pháp phát triển văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và là động lực đột phá cho phát triển kinh tế xã hội.

Trước tiên, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa đối với đời sống xã hội, cũng như chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Giải pháp này nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần quan điểm “văn hóa là động lực, mục tiêu của sự phát triển đất nước, là nền tảng tinh thần của xã hội”, từ đó mỗi người dân Việt Nam đều xác định trách nhiệm, nhu cầu tự bồi bổ về văn hóa cho mình, tự hoàn thiện những chuẩn mực con người Việt Nam.

Quá trình tuyên truyền, giáo dục phải làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của toàn xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, cần tuyên tuyền sâu rộng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa…là động lực bên trong thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới cần tập trung xây dựng toàn diện cả “đức - trí - thể, mỹ”, những giá trị văn hóa phù hợp với sự phát triển của thời đại, kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Trong đó, phải bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa con người Việt Nam, như: đoàn kết, yêu nước, cần cù, thông minh trong, anh dũng, bất khuất, kiên cường, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, nhân ái, nhân nghĩa, vị tha, bao dung, độ lượng… Đồng thời, khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam như: tư tưởng tiểu nông, ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ…

Trên thực tế, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã đến mức báo động. Nó không chỉ “gặm nhấm” làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của từng con người, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa tinh thần của xã hội. Do đó, cần tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc; đặc biệt là ý thức trách nhiệm xã hội cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp kiên quyết đấu tranh, khắc phục những hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thiết thực trên thực tế của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là biện pháp thường xuyên, liên tục.

Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện và bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng các giá trị văn hóa của nhân dân; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, các dân tộc thiểu số; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và văn hóa kinh doanh.

Như vậy, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước là quan điểm cơ bản trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế. 

Thúy Nga

Ảnh: Như Quỳnh