Việc dừng xe khẩn cấp để nhường đường cho xe ưu tiên trên đường cao tốc, theo tôi, là hoàn toàn không phù hợp và rất nguy hiểm. "Đường cao tốc không chỉ là giao thông. Nó là cả một văn hoá".

Tôi sống ở Liên-xô trong thập niên 80 và tình cờ được đọc một bài báo viết về đường cao tốc ở Mỹ. Cuối bài viết, nhà báo kết luận: "Ở Mỹ, đường cao tốc không chỉ là giao thông. Nó là cả một văn hoá.".

Thời đó ở Liên-xô chưa có đường cao tốc nên tôi cũng khó hình dung. Nghĩ bụng: "Nhà báo này sính Tây thế? Đường nào chả là đường, là để mà đi, đơn giản chỉ là giao thông, có gì ghê gớm mà nâng tầm lên "văn hoá", "văn minh"?".

{keywords}
Đường cao tốc không chỉ là giao thông. Nó là cả một văn hoá.

Đầu thập niên 90 tôi mới có điều kiện biết đường cao tốc ở mấy nước châu Á, châu Âu, rồi đi Mỹ và biết đường cao tốc ở Mỹ. Mười mấy năm trở lại đây thì tự tôi lái xe không ít lần trên các đường cao tốc ở Mỹ và châu Âu, chắc cũng đã được mấy nghìn km trải nghiệm thực tế. Tôi chợt nhận ra là nhà báo Liên-xô hồi 80 đã nhận xét đúng: đường cao tốc không chỉ là giao thông, nó là cả một văn hóa. Nó là một thứ hiện đại và văn minh. Thứ gì văn minh cũng đòi hỏi con người có văn hóa phù hợp và dành cho những người có văn hóa.

Bây giờ ở nước ta cũng đã có đường cao tốc, nhiều người đã thấy, không ít người đã lái xe trên các đường cao tốc ở Việt Nam. Nhưng qua một số vụ tai nạn và mấy trường hợp uy hiếp an toàn giao thông trên đường cao tốc gần đây, tôi cảm thấy nhận thức chung trong xã hội và kinh nghiệm lái xe trên đường cao tốc ở không ít người còn thiếu hụt.

Giao thông trên đường cao tốc rất khác so với trên đường thường. Vợ tôi lái xe ở Việt Nam rất thạo, nhưng vẫn chưa đủ tự tin để lái xe trên đường cao tốc ở Mỹ. Vì nó khác, rất khác. Người quen lái xe ở nước ngoài thấy lái xe ở Việt Nam khó thì người quen lái xe ở Việt Nam thấy lái xe trên đường cao tốc ở nước ngoài cũng không hề đơn giản.

1. Tốc độ, chuyển làn, thoát ra, nhập vào đường cao tốc: Để đạt tốc độ giao thông cao, đường cao tốc không hề có giao lộ, đèn xanh – đèn đỏ. Rất hiếm hoi mới có đèn xanh – đèn đỏ ở đường nhập (Entrance) vào đường cao tốc, còn ở đầu đường ra (Exit) không bao giờ có đèn xanh – đèn đỏ, phải đi ra xa một đoạn mới có. Một con đường không có giao lộ và không có đèn xanh – đèn đỏ thì các quy tắc giao thông ở đó không khuyến khích mà thậm chí còn cấm lái xe thay đổi tốc độ đột ngột khi lưu thông.

Đường cao tốc luôn quy định tốc độ tối thiểu và hầu hết các nước quy định tốc độ tối đa (trừ một số nước như Đức, Bỉ…). Trong khoảng giữa tốc độ tối thiểu và tốc độ tối đa, nguyên tắc lái xe phổ biến là “đi theo tốc độ của dòng xe trên làn đường”, không thúc vào đít xe đằng trước, không cản đầu các xe đằng sau, ở những chỗ làn đường gặp đường ra (Exit), đường nhập (Entrance) cũng không được giảm tốc độ, mà phải giữ tốc độ bình thường. Việc giảm tốc độ đột ngột có thể bất tiện hoặc thậm chí gây nguy hiểm cho các xe chạy sau xe mình.

“Đi theo tốc độ của dòng xe” trong một số trường hợp không dễ. Một dạo tôi ở khách sạn ngoài ngoại ô San Francisco và nhiều hôm có việc đi vào thành phố qua cầu Golden Gate đầu buổi sáng. Đường cao tốc trước cầu Golden Gate quanh co uốn lượn, nhiều hôm có sương mù, phải bật đèn để đi, mà dân California cứ chạy vù vù với tốc độ tối đa cho phép. Mấy hôm đầu tôi hơi run, nhưng sau đó rút được kinh nghiệm: cứ căn theo xe cùng làn ngay trước xe mình mà chạy, đừng quan tâm đến các xe khác xung quanh mà ngợp. Đường cao tốc ở Mỹ có độ nghiêng rất chuẩn, khi đường uốn lượn không cần giảm tốc độ chạy xe.

Cũng vì “đi theo tốc độ của dòng xe”, nên việc chuyển làn trên đường cao tốc đòi hỏi lái xe phải có những kỹ thuật nhất định. Trên đường cao tốc ở nước ngoài, không có chuyện nháy xi nhan kéo dài xin các xe chạy làn bên cạnh giảm tốc độ cho xe mình nhập làn, mà phải nhập làn sao cho không ảnh hưởng đến các xe đang chạy trên làn đó. Một số nơi bắt buộc lái xe khi chuyển làn phải có động tác quay đầu quan sát, chẳng may có xe nào đó trong góc chết, nhìn qua gương không thấy.

Tôi thường chuyển làn theo cách tăng tốc độ vượt qua xe gần nhất chạy làn bên cạnh một quãng an toàn rồi nháy xi nhan, quay đầu quan sát và chuyển làn ngay trong vài giây. Làm như thế để đảm bảo chắc chắn không có xe nào nằm trong góc chết.

Chuyển làn trên đường cao tốc khi đông xe không dễ, nên việc chọn làn để chạy và thời điểm chuyển làn rất quan trọng. Nếu đang chạy ở làn số 3, số 4, tôi thường chuyển dần về làn số 2 trước đường ra (Exit) khoảng 1,5-2 dặm (cỡ 2-3 km) rồi về làn số 1 ở khoảng cách trên dưới 1 dặm trước đường ra. Cũng có một số lần tôi không kịp chuyển về làn 1 và không có cách nào khác là duy trì tốc độ chạy thẳng tiếp rồi quay lại ở nơi gần nhất. Tuyệt đối không chuyển làn bừa cho kịp rẽ vào đường ra, như thế phạm luật và rất nguy hiểm.

Các lái xe đang chạy trên đường cao tốc, kể cả trên làn 1 tiếp giáp với đường nhập tại các nút giao thông, không có trách nhiệm giảm tốc độ để tạo khoảng trống cho các xe từ đường nhập đi vào đường cao tốc. Từ đường ngoài nhập vào đường cao tốc an toàn luôn luôn là trách nhiệm của các lái xe từ ngoài đi vào. Đây chính là lỗi chết người trong vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa đi từ ngoài vào và xe khách đang di chuyển trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa rồi. Nó chưa liên quan gì đến quyền được chạy ngược đường của xe cứu hỏa.

{keywords}
Dù có quyền chạy ngược chiều, lái xe cứu hỏa không có quyền nhập đường cao tốc như cách anh ấy đã thực hiện.

Về cơ bản thì xe cứu hỏa còn chưa chạy trên đường cao tốc, mà nó đang từ ngoài nhập đường cao tốc, cắt ngang qua các làn thì đã xảy ra tai nạn. Dù có quyền chạy ngược chiều, lái xe cứu hỏa không có quyền nhập đường cao tốc như cách anh ấy đã thực hiện. Anh ấy phải chờ đến khoảng trống an toàn rồi mới đi vào đường cao tốc, hoặc chủ động tạo ra điều kiện đủ an toàn để đi vào đường cao tốc. Khi chưa có đủ điều kiện đảm bảo an toàn, xe cứu hỏa chưa được đi vào đường cao tốc. Nhưng nó đã đi vào, lỗi chắc chắn thuộc về lái xe cứu hỏa.

Kể cả có quy kết lái xe khách không nhường đường cho xe cứu hỏa thì về nguyên tắc lái xe cứu hỏa cũng không được phép đi vào đường cao tốc trong điều kiện như vậy. Anh ấy có quyền đi ngược chiều, nhưng trách nhiệm nhập đường cao tốc một cách an toàn cho bản thân và cho những người khác đang tham gia giao thông trên đường cao tốc là không thể thoái thác.

Ở nước ngoài, khi xe ưu tiên có nhu cầu chạy ngược chiều trên đường cao tốc, cảnh sát giao thông buộc phải đóng đoạn đường đó lại (ít ra là đóng làn đường mà xe ưu tiên cần chạy), không phó mặc cho tài xế lái xe ưu tiên và những người dân đang lưu thông trên đường.

2. Tìm đường đi, lối rẽ trên đường cao tốc. Người Việt có câu nói cửa miệng: “Đường ở mồm”. Khi lái xe ở Việt Nam thì đây là nguyên tắc khá phổ biến. Nhưng khi lái xe trên đường cao tốc, mồm hoàn toàn vô dụng. Không ai cho phép dừng xe trên đường cao tốc để hỏi đường, cũng chẳng có ai đứng đó mà hỏi.

Đường cao tốc ở nước ta có tên dài ngoằng: “Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ”, “Đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây”, “Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương”...

Ở nước ngoài, mọi đường cao tốc đều được đánh số. Ở Mỹ, số đường còn kèm theo hướng đường: Bắc , Nam, Đông, Tây, thành ra mỗi đường cao tốc được chia thành hai đường: cao tốc 101 có 101N (North) và 101S (South), cao tốc 280 có 280E (East) và 280W (West)… Ở nút giao giữa hai đường cao tốc thường có hai đường ra A và B (ví dụ Exit 37A và 37B) tương ứng với hai hướng đi của đường cao tốc kia. Ở những nút giao thông phức tạp có thể có rất nhiều đường ra, những lái xe thiếu kinh nghiệm rất dễ nhầm đường ra.

Thời gian đầu tôi cũng hay nhầm đường ra. Không có gì nghiêm trọng cả, chỗ quay lại thường cũng ở gần thôi, cứ bình tĩnh mà đi. Ở gần các nút giao thông thường có trạm xăng hoặc trung tâm mua sắm, mình có thể vào đó làm cốc ca phê rồi tính đường quay lại. Cùng xuất phát đi về nhà bạn tôi, bạn ấy đi hết 01 giờ, tôi đi hết 02 giờ, đơn giản là tôi bị nhầm đường ra một cơ số lần.

Bây giờ có GPS với độ chính xác đến từng làn xe, lối rẽ, việc lái xe trên đường cao tốc trở nên dễ hơn dàng hơn trước nhiều. Nhưng cũng có những lúc trục trặc. Có lần vợ chồng tôi đi chơi ở bang Minnesota, định đi chơi cả ngày, nhưng đến gần trưa GPS bị hỏng, tôi bảo vợ là nên quay về ngay khi tôi còn nhớ đường, chứ đi thêm nữa không có GPS thì quên đường về luôn. Hồi đó tôi chưa biết Offline Maps, chứ bây giờ quen dùng HERE rồi thì vô tư.

Tôi hỏi các bạn Mỹ, thời chưa có GPS thì họ làm thế nào? Họ bảo, mỗi lần lái xe đến những vùng lạ thì họ thường xem bản đồ rồi ghi hành trình ra một tờ giấy, kiểu: “101S -> Exit 37A -> 87S -> Exit 156B -> 280W -> Exit…”. Tôi thấy giải pháp đó đơn giản mà hay.

3. Tai nạn trên đường cao tốc. Do các phương tiện lưu thông một chiều với tốc độ cao, lái xe trên đường cao tốc nói chung ít sẵn sàng cho việc phanh dừng xe gấp như khi lưu thông trên đường thường. Những tai nạn xảy ra trên đường cao tốc thường thảm khốc, không ít khi “dính cả nùi”. Có nhiều vụ ba bốn chục xe bị tai nạn. Tháng 10/1991: 150 xe bị tai nạn trên đường cao tốc A15 ở Hà Lan. Tháng 10/1997: 160 xe bị tai nạn trên đường cao tốc M42 ở Anh. Tháng 11/2002: 216 xe bị tai nạn trên đường cao tốc 710 ở California (Mỹ). Kỷ lục số xe bị tai nạn trong một vụ là ngày 15/9/2011 ở Brazin: khoảng 300 xe gặp nạn trên một đoạn đường cao tốc dài tới 2 km…

Việc dừng xe khẩn cấp để nhường đường cho xe ưu tiên trên đường cao tốc, theo tôi, là hoàn toàn không phù hợp và rất nguy hiểm. Nếu có nhu cầu để các xe ưu tiên chạy ngược chiều trên đường cao tốc, cảnh sát giao thông trước tiên phải đóng đoạn đường đó lại rồi mới cho xe ưu tiên chạy (chí ít là phải đóng làn đường có xe ưu tiên chạy ngược chiều), không thể phó mặc cho lái xe ưu tiên và những người dân đang lưu thông trên đường cao tốc.

Cuối cùng, các hành vi vi phạm luật giao thông trên đường cao tốc nguy hiểm hơn rất nhiều so với cùng hành vi trên đường giao thông thường. Vì vậy, chúng cần phải được xử phạt thật nặng, những hành vi nào gây nguy hiểm cho nhiều người cần được xử lý hình sự.

(Theo Khám phá)