Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, thời gian qua cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và đưa vào vận hành một số công cụ cải cách, giám sát việc thực thi và phục vụ chỉ đạo điều hành.

{keywords}
Hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng cường giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, tỉnh (Ảnh minh họa)

Trong đó, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đến nay đã cập nhật 12.451 quy định. Đây là bộ công cụ phục vụ cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, dữ liệu được trực quan hóa theo thời gian thực để phục vụ chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, ngành với 3 nhóm chỉ số thành phần gồm: Công khai, minh bạch; kết quả cải cách; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh sẽ giúp nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Văn phòng Chính phủ hiện cũng đã hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Quyết định quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho việc vận hành công cụ cải cách này và đảm bảo duy trì tính bền vững của công tác cải cách thể chế, tập trung vào các quy định kinh doanh.

Hệ thống theo dõi, đánh giá nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng đang được khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Dự kiến hệ thống sẽ chính thức được đưa vào vận hành trong tháng 8.

Bên cạnh đó, theo Văn phòng Chính phủ, cũng từ tháng 8, hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp sẽ được đưa vào vận hành chính thức. Với 5 nhóm chỉ số thành phần gồm: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng, hệ thống nhằm tăng cường giám sát việc thực thi, phục vụ chỉ đạo, điều hành việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm công khai, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Trước đó, vào ngày 23/6, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (gọi tắt là bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp), với 5 nhóm chỉ số thành phần: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng.

Theo quyết định, đối tượng được đánh giá là các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc các cơ quan trên; các cơ quan, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ công trên cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Việc đánh giá thực hiện dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, kết quả đánh giá sẽ được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành, đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; theo dõi, giám sát, đánh giá của cá nhân, tổ chức và nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Kết quả đánh giá cũng sẽ là 1 trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; ưu tiên xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Vân Anh

Cơ quan nhà nước có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng xã hội

Cơ quan nhà nước có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng xã hội

Ngoài cổng thông tin điện tử cấp bộ, tỉnh, căn cứ điều kiện cụ thể, các cơ quan nhà nước có thể chủ động triển khai các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến khác như qua mạng xã hội hay ứng dụng di động.