- Tôi nghỉ công ty cũ được 40 ngày và trước đó đã đóng bảo hiểm 3 năm tại công ty. Vừa rồi tôi đi làm bảo vệ cho một cơ quan nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội, làm ngày nào lĩnh lương ngày đó.
Như vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Nếu tôi rút hết số tiền bảo hiểm trong 3 năm vừa rồi thì khi làm ở chỗ khác, tôi có thể đóng lại bảo hiểm từ đầu không?
Ảnh minh họa |
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp bạn phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điều 49 Luật việc làm 2013. Theo đó, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động , đã nộp hồ sở hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ theo quy định trên, theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi nghỉ làm,bạn đã có công việc mới nên bạn không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Về bảo hiểm xã hội một lần:
Để được rút bảo hiểm xã hội một lần, bạn cần đáp ứng các điều kiện sau đây theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết số: 93/2015/QH13. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trong trường hợp sau 1 năm nghỉ việc nếu bạn không tiếp tục đóng bảo hiểm và có yêu cầu nhận bảo hiểm một lần thì có thể làm đơn xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo quy định của Luật BHXH thì sổ BHXH được cấp đối với từng lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở giải quyết các chế độ BHXH theo quy định. Vì vậy, mỗi người lao động chỉ được cấp một số sổ duy nhất cho một lần tham gia BHXH đầu tiên, xem như là mã quản lý về BHXH đối với người lao động trong suốt quá trình tham gia BHXH.
Tại Khoản 2, Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH quy định:“Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng”.
Do vậy, trường hợp bạn nếu sau khi hưởng hết BHTN, BHXH một lần ở thì cơ quan BHXH không thực hiện cấp lại sổ BHXH. Khi bạn làm việc ở đơn vị mới, bạn khai báo số sổ BHXH đã có để đơn vị sử dụng lao động báo tăng với cơ quan BHXH để cấp sổ BHXH cho bạn theo số sổ BHXH đã có.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc