Các quan chức phụ trách luận tội của Hạ viện hôm 25/1 đã trình Thượng viện điều khoản luận tội "kích động bạo loạn" đối với cựu Tổng thống Donald Trump sau vụ những người ủng hộ quá khích tấn công trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol ở Washington vào ngày 6/1, thời điểm lưỡng viện nhóm họp chính thức phê duyệt kết quả tổng tuyển cử 2020.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Thượng viện đã nhất trí hoãn phiên tòa 2 tuần, tới ngày 8/2 để nhóm pháp lý của cựu tổng thống chuẩn bị chứng lý biện hộ và các thượng nghị sĩ tạo lập các tiêu chuẩn cho phiên tòa.
Ông Donald Trump là cựu tổng thống đầu tiên bị luận tội trong lịch sử Mỹ. Ảnh: Chicago Tribune |
Tại Thượng viện, lãnh đạo phe đa số Dân chủ Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa Mitch McConnell vẫn đang thương lượng về cách thức tổ chức cơ bản của phiên tòa, kể cả thời lượng tranh luận, các kiến nghị triệu hồi nhân chứng và có thể cả kiến nghị hủy phiên tòa ngay từ đầu. Các thủ tục, vốn được nêu rõ trong một nghị quyết về tổ chức, sẽ báo trước khả năng kết tội ông Trump hay không và điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa.
“Chúng tôi hy vọng sẽ đàm phán được điều gì đó với ông McConnell về phiên tòa. Chúng tôi sẽ xem những gì sẽ xảy ra. Chúng tôi chưa biết yêu cầu của cả hai bên công tố và biện hộ là gì", ông Schumer phát biểu trước báo giới.
Bất đồng về việc triệu tập nhân chứng
Theo tạp chí Politico, có lẽ không có thủ tục nào phức tạp hơn câu hỏi về lời khai của nhân chứng. Ngay cả các chính trị gia Dân chủ cũng chia rẽ về việc liệu có cần sự xuất hiện của các nhân chứng để khởi tố vụ án chống lại cựu tổng thống hay không, khi các hành vi bị tố sai phạm của ông Trump phần lớn đều xảy ra trước công chúng. Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng cũng muốn phiên tòa diễn ra chóng vánh hơn phiên luận tội ông Trump lần đầu tiên năm 2020, vốn kéo dài tới 3 tuần.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine thừa nhận, đảng của ông vẫn bất đồng về vấn đề trên. Nhiều người trong số họ khẳng định, chính các thượng nghị sĩ là nhân chứng của vụ bạo loạn hôm 6/1. Song, một số khác cho rằng, các thượng nghị sĩ, với tư cách thành viên bồi thẩm đoàn trong phiên tòa không nên tước bỏ của bất kỳ bên nào khả năng sử dụng lời khai nhân chứng.
"Đó là một phiên tòa giả tạo nếu bạn nói trước rằng sẽ không có nhân chứng hoặc các chứng lý. Tôi hiểu rõ nguyên tắc này. Luận tội là một việc rất hệ trọng … Nếu các công tố viên hoặc bên biện hộ muốn đưa ra các nhân chứng và tài liệu, họ nên được trao quyền làm việc đó", ông Kaine bình luận. Song, nhà lập pháp này lưu ý tất cả phụ thuộc vào các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội và nhóm bào chữa cho cựu tổng thống.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu thượng sĩ của mỗi đảng sẽ ủng hộ việc triệu tập các nhân chứng. Tại phiên tòa xử luận tội ông Trump lần đầu tiên hồi năm ngoái, các chính khách Dân chủ nhất trí ủng hộ điều này, viện dẫn các nhân chứng là chìa khóa cho một phiên tòa công bằng. Các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện, vốn chiếm đa số vào thời điểm đó, đã ngăn chặn nỗ lực này.
Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn hôm 25/1, nhiều nghị sĩ Dân chủ, bao gồm cả ông Schumer bày tỏ, lần luận tội này khác vì bản thân các thượng nghị sĩ là các nhân chứng trực tiếp và họ không cần nghe từ những người khác. Theo lời Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal đến từ bang Connecticut, “bằng chứng mạnh mẽ nhất là các lời nói của chính ông Trump". Các nhà lập pháp cũng lập luận rằng, Thượng viện không nên sa lầy vào một phiên tòa khi còn có những nhiệm vụ cấp thiết khác cần giải quyết như ứng phó với đại dịch Covid-19.
Các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội có thể thúc đẩy việc sử dụng lời khai của nhân chứng nếu họ tin có khả năng thuyết phục đủ số thượng nghị sĩ Cộng hòa để kết tội cựu tổng thống. Nhiều thành viên cùng đảng của ông Trump đã đưa ra các lập luận về thủ tục, tập trung vào quy trình tố tụng đối với cựu tổng thống.
Nhóm quan chức Hạ viện giữ vai trò công tố viên trong phiên tòa luận tội sắp tới hàng ngày vẫn điện đàm trao đổi với nhau về kế hoạch hành động, nhưng được chỉ thị không thảo luận công khai chiến lược của họ. “Thượng viện đặt ra các quy tắc, nên chúng tôi đang chờ xem các quy tắc ấy là gì. Vì vậy, chúng tôi đã sẵn sàng theo cách nào đó”, Hạ nghị sĩ Dân chủ Eric Swalwell, một quan chức phụ trách luận tội nhấn mạnh.
Phiên xử luận tội khác biệt
Các thượng nghị sĩ nhận định, nghị quyết về tổ chức phiên tòa hầu như sẽ tương tự năm ngoái với một vài ngoại lệ đáng chú ý. Theo các nguồn tin trong Thượng viện, một điểm khác biệt then chốt là Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, đồng minh của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden dự kiến sẽ chủ trì quá trình tố tụng.
Hiến pháp Mỹ quy định, Chánh án Tòa án Tối cao phải chủ trì một phiên tòa luận tội tổng thống, nhưng ông Trump không còn tại vị, nên Chánh án John Roberts không còn đảm trách vai trò này.
Đảng Cộng hòa có thể vin vào vai trò của ông Leahy để cáo buộc quá trình tố tụng mang tính đảng phái. Các nhà lập pháp Cộng hòa cũng tuyên bố, việc đưa một cựu tổng thống ra xét xử là trái với Hiến pháp.
“Tôi quý Thượng nghị sĩ Leahy, nhưng đây là xung đột lợi ích. Ông ấy là thành viên bồi thẩm đoàn. Ông ấy không nên ngồi ở đó với vai trò quan tòa” Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nhấn mạnh.
Bản thân Thượng nghị sĩ Leahy đã lên tiếng bảo vệ vai trò của mình, khẳng định sẽ đảm bảo việc tuân thủ các quy tắc.
Theo phe Dân chủ, việc đảng Cộng hòa tập trung vào các lập luận thủ tục nhằm giúp họ tránh phải đưa ra quan điểm về việc liệu các hành vi của ông Trump có đáng bị luận tội hay không. Cho đến nay, chẳng có mấy chính khách Cộng hòa bình luận về giá trị các cáo buộc luận tội của Hạ viện. Điều đó nhiều khả năng sẽ sớm thay đổi khi Thượng viện chuyển sang phần tranh luận.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney giải thích, do phe Dân chủ nắm đa số ghế tại Thượng viện nên các lập luận từ đảng của ông về thủ tục cuối cùng sẽ thất bại. Ông Romney đã công khai chỉ trích ông Trump và ám chỉ sẽ bỏ phiếu đồng ý kết tội cựu lãnh đạo Nhà Trắng. Vị chính khách đến từ bang Utah này cũng là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất từng bỏ phiếu nhất trí kết tội ông Trump trong phiên xử luận tội năm ngoái.
Nếu các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo phe đa số Schumer và lãnh đạo phe thiểu số McConnell không đạt kết quả, đảng Dân chủ có thể đưa ra một nghị quyết tổ chức được Thượng viện thông qua nhờ phiếu bầu của các thượng nghị sĩ trong đảng và lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris. Khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát hồi năm ngoái, Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ các tiêu chuẩn do ông McConnell đề xuất.
Thiếu vắng lời khai nhân chứng, các quan chức Hạ viện phụ trách luận tội có thể được trợ giúp nhờ các tiết lộ thông tin nhỏ giọt về những gì xảy ra ngay trước vụ bạo loạn ngày 6/1. Ví dụ, tuần trước, báo New York Times đưa tin, ông Trump đã ngầm chỉ đạo một quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp lật đổ quyền tổng chưởng lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Nhóm phụ trách luận tội của Hạ viện chắc chắn sẽ tham khảo những bài báo như trên để củng cố lập luận của họ, cáo buộc ông Trump đặt nền móng cho vụ bạo loạn trên Đồi Capitol và lạm dụng quyền lực nhằm đảo ngược ý nguyện của các cử tri.
Hồi đầu tháng này, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul cho hay, ông sợ bản thân có thể hối tiếc khi bỏ phiếu chống lại việc luận tội ông Trump tại Hạ viện một phần vì các thông tin mới bất lợi cho cựu tổng thống. Đảng Dân chủ dự kiến sẽ cố gắng sử dụng những tuyên bố như vậy để làm lợi cho họ.
Toàn cảnh cuộc khủng hoảng trên Đồi Capitol ở Mỹ
Tuấn Anh
Thượng viện Mỹ 'chốt' ngày bắt đầu xử luận tội ông Trump
Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tuyên bố, từ 8/2 cơ quan lập pháp này bắt đầu mở phiên xử luận tội cựu Tổng thống Donald Trump về cáo buộc kích động bạo loạn trên Đồi Capitol.
Lộ diện luật sư biện hộ cho ông Trump trong phiên xử luận tội
Một nguồn thạo tin tiết lộ, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thuê một luật sư kỳ cựu ở Nam Carolina biện hộ cho ông trong phiên xử luận tội ở Thượng viện vì cáo buộc kích động bạo loạn.