Thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cho hay, giữa tháng 8/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định 1720 thành lập Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu làm Chủ tịch; thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật hình sự, các nhà quản lý đại diện cho một số cơ quan, tổ chức có liên quan.

Trước đó, như ICTnews đã thông tin, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 đã xây dựng xong dự thảo Luật này và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (moj.gov.vn) để lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Theo Nghị quyết 144 của Quốc hội khóa XIII, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS  dự kiến sẽ được được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp nêu rõ, thời hạn lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật này sẽ kết thúc vào ngày 1/9 tới.

Cũng theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ngày 18/8 vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS để khắc phục những sai sót của BLHS số 100/2015/QH13; bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của BLHS; đồng thời góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm tốt hơn quyền của người phạm tội. Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS cũng nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII.

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Với phạm vi của một dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và với thời gian hạn hẹp phải bảo đảm tiến độ trình Quốc hội dự án Luật này vào kỳ họp thứ hai (tháng 10/2016), Hội đồng thẩm định nhất trí với quan điểm: dự thảo Luật chủ yếu tập trung sửa đổi, bổ sung những điều khoản của BLHS có lỗi kỹ thuật không thể giải thích hoặc thống nhất hướng dẫn và nếu không sửa sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng thống nhất pháp luật, không sửa đổi các chính sách lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, không ảnh hưởng đến các luật khác đang lùi hiệu lực thi hành theo Nghị quyết 144 của Quốc hội khóa XIII.

Ngoài ra, nội dung của BLHS có liên quan mật thiết với các Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hơn 40 điều viện dẫn các điều khoản của BLHS 2015; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự có trên 50 điều viện dẫn các điều khoản của BLHS 2015); do đó với phạm vi sửa đổi, bổ sung như trên sẽ bảo đảm việc sửa đổi BLHS không làm ảnh hưởng đến việc thi hành các Luật đang lùi hiệu lực cùng BLHS.

Đáng chú ý, riêng với việc sửa đổi Điều 292 của BLHS 2015 quy định “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”, Hội đồng thẩm định dự án Luật vẫn còn 2 loại ý kiến.

Trong đó, đa số ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí với việc sửa đổi Điều 292 BLHS 2015 theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự về tội danh này. Cụ thể là, thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự bằng cách nâng cao mức định lượng thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bỏ dấu hiệu định lượng doanh thu tại các cấu thành định tội và định khung tăng nặng để đảm bảo tính thống nhất của BLHS không xem xét xử lý dựa trên dấu hiệu doanh thu của cá nhân, tổ chức; bỏ điểm e khoản 1 Điều 292 để giới hạn phạm vi áp dụng của điều luật.

Cân nhắc tính hợp lý của quy định tại Điều 292

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, tại cuộc họp ngày 18/8, vẫn có ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định dự án Luật đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định tại Điều 292 vì so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép. Do vậy, theo Điều 292 BLHS năm 2015 thì cùng một hành vi kinh doanh các lĩnh vực nêu tại Điều luật này, nếu tiến hành trên mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu tiến hành ngoài đời thực thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là bất hợp lý.

Ý kiến nhận định về sự bất hợp lý của quy định tại Điều 292 BLHS 2015 khi coi yếu tố không gian phạm tội là yếu tố chính để phân biệt với các tội khác là một trong những điểm từng được các chuyên gia phân tích, chỉ rõ trong văn bản kiến nghị bãi bỏ điều luật này.

Đơn cử như, trong bản kiến nghị dài 10 trang của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) gửi ngày 8/8/2016 đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và các cơ quan, bộ ngành hữu quan xem xét hủy bỏ Điều 292 BLHS, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình đã nhận định: “Thực chất Điều 292 vẫn là tội kinh doanh trái phép giống như Điều 159 BLHS 1999 nhưng có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, áp dụng đối với hoạt động kinh doanh trên mạng trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mức độ hình sự hóa hoạt động kinh doanh trái phép của Điều 292 còn cao hơn, với hình phạt nặng hơn so với tội kinh doanh trái phép qui định tại Điều 159 BLHS 1999, thể hiện ở khung hình phạt cao nhất của Điều 292 lên tới 5 năm tù so với khung hình phạt cao nhất của điều 159 BLHS 1999 là 3 năm tù”.

Đồng thời, ông Bình cũng nhấn mạnh, việc hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng còn được thể hiện rõ qua việc qui định dấu hiệu sử dụng mạng để thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ là dấu hiệu định tội thay vì chỉ coi là dấu hiệu định khung. “Với dấu hiệu định tội này thì chỉ những hành vi kinh doanh trái phép được thực hiện bằng phương thức sử dụng mạng (hành vi kinh doanh được thực hiện trên mạng) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn hành vi kinh doanh trái phép được thực hiện trực tiếp, không đưa lên mạng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù bản chất của 2 hành vi là như nhau, cùng xâm phạm một khách thể.

Ví dụ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trái phép nếu không sử dụng mạng máy tính và mạng viễn thông để kinh doanh thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn thực hiện qua mạng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này yếu tố gây nguy hại cho xã hội cần ngăn chặn là hành vi kinh doanh đa cấp trái phép chứ không phải là hành vi đưa hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép lên mạng. Việc sử dụng mạng có nguy cơ gây hậu quả lớn hơn nhưng không làm thay đổi bản chất của hành vi. Do đó dấu hiệu sử dụng mạng để tiến hành hoạt động kinh doanh trái phép chỉ nên là coi là dấu hiệu định khung hình phạt do có tác động gây hậu quả nghiêm trọng hơn, ví dụ như qui định tại các Điều 155, 156…”, ông Bình phân tích.

Tương tự, trong văn bản ý kiến về Điều 292 BLHS 2015 được gửi ngày 8/8/2016 tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng: “Điều 292 xác định yếu tố địa điểm, phương pháp, công cụ phạm tội là trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Đây có lẽ là tội danh rất đặc biệt của BLHS do yếu tố không gian phạm tội được coi là yếu tố chính để phân biệt với các tội khác.

Trong 6 hành vi được liệt kê tại Điều 292, nhiều hành vi chỉ có thể thực hiện trên nền tảng mạng máy tính, mạng viễn thông như thương mại điện tử, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng, các dịch vụ khác trên mạng. Song vẫn có 2 hành vi có thể được thực hiện không nhất thiết trên mạng là kinh doanh đa cấp và kinh doanh vàng tài khoản (về lý thuyết, vẫn có thể kinh doanh vàng tài khoản thông qua đặt lệnh trực tiếp tại sàn mà không cần mạng máy tính). Do đó, việc phân biệt hành vi như Điều 292 sẽ khiến các doanh nghiệp nảy sinh câu hỏi: Vì sao chính sách hình sự của nhà nước lại phân biệt đối xử giữa kinh doanh trên mạng và kinh doanh không trên mạng”.