Trình bày tại Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% (1975) lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn).

"Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo", Bộ Công Thương đánh giá.

Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.

{keywords}
Cả nước còn hơn 153 nghìn hộ chưa có điện, cấp điện cho 11/12 huyện đảo

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho các khu vực này. Chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân.

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực ĐBSCL kết hợp cấp điện cho nhân dân.

Ngoài ra, Bộ sẽ đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; Các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

{keywords}
Nhân viên điện lực trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: Từ năm 1992 đến tháng 9/2017, EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận và cung cấp điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo.

“Sau khi tiếp nhận và bán điện trực tiếp trên các huyện đảo, EVN đã đầu tư nguồn và lưới điện trên huyện đảo, tăng giờ phát điện thay vì 6h/ngày lên 24/24h và thực hiện bán điện cho các hộ dân trên đảo theo quy định”, ông Võ Quang Lâm cho biết.

Đối với các huyện, xã đảo gần bờ, sau khi tiếp nhận bán điện, EVN đã triển khai các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Tổng khối lượng đầu tư cho các huyện đảo, xã đảo với quy mô tổng công suất nguồn điện tại chỗ (diesel, mặt trời, gió) gần 31 MW và từ nguồn lưới điện quốc gia qua 57 km đường dây cáp ngầm xuyên biển 110 kV; 97,46 km cáp ngầm 22kV cùng hệ thống điện trên đảo với 3 trạm 110 kV với tổng công suất 191 MVA; 67,05 km đường dây trên không 110 kV; 761,81 km đường dây trung áp; 557,7 km đường dây hạ áp và 634 TBA với tổng dung lượng 90.593 kVA.

L.Bằng