Tập đoàn Mường Thanh thâu tóm thành công Dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (quận Hà Đông, Hà Nội) trở thành tin “hot” với giới đầu tư bất động sản tuần qua. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu về tay chủ mới, dự án này sẽ nhanh chóng lột xác, thoát khỏi nhiều tai tiếng bấy lâu nay?
Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh |
“Con mồi”
Từ cuối năm 2015, một trợ lý của ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh đã bật mí với báo chí về việc tới đây Tập đoàn này sẽ thực hiện một dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) có quy mô lớn tại Hà Nội. Nay khi hợp đồng đã được ký kết, “con mồi” chính thức lộ diện là Dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5.
Để thâu tóm được dự án này, Tập đoàn Mường Thanh đã mua 95% cổ phần của CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), một thành viên của CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5. Tổng giá trị thương vụ này là 1.500 tỷ đồng, bao gồm khoản mua lại cổ phần và các khoản nghĩa vụ tài chính (nợ) Mường Thanh sẽ đứng ra thực hiện thay cho công ty này.
Cienco 5 Land được thành lập năm 2007, có nhiệm vụ chính là thực hiện dự án địa ốc tại Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và các nước láng giềng. Dự án lớn nhất của Công ty là Dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) - nay thuộc TP. Hà Nội và các Khu đô thị Thanh Hà A, B - Cienco 5; Dự án Khu nhà ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội và gói thầu Đường nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài qua địa phận huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.
Dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B có quy mô hơn 400 héc-ta nằm trên địa bàn hai phường Phú Lương và Kiến Hưng, quận Hà Đông và xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội; phía Bắc giáp khu đất dịch vụ phường Phú Lương, trạm xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông…; phía Nam và Đông giáp đất nông nghiệp xã Cự Khê; phía Tây giáp đất nông nghiệp phường Phú Lương và các xã Cự Khê, Đường vành đai 4.
Dự án đã được khởi công từ tháng 4/2008, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng do chủ đầu tư thiếu vốn và chịu cảnh nợ nần cả nghìn tỷ đồng. Cũng tại dự án này, hàng nghìn lô đất đã được bán tới tay nhà đầu tư, nhưng hợp đồng chủ yếu dưới dạng góp vốn. Đây từng là điểm nóng của giới đầu cơ đất nền khi giá chuyển nhượng mỗi m2 trong hợp đồng góp vốn lên tới gần 60 triệu đồng, gấp gần 4 lần giá ghi trong hợp đồng.
Một đại diện của Tập đoàn Mường Thanh cho biết, trước khi quyết định mua dự án này, Tập đoàn đã tiếp cận sổ sách của Cienco 5 Land, con số khách hàng góp vốn mua đất là trên 1.000 người, diện tích đất sạch thì hầu như không đáng kể. Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn thâu tóm bằng phương thức M&A mà chưa có đất sạch. Vì thế, giải phóng mặt bằng chính là yếu tố lớn nhất quyết định tiến độ và diện mạo của dự án này.
Tập đoàn Mường Thanh chi 1.500 tỷ đồng để sở hữu 95% cổ phần Cienco5 Land - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thanh Hà |
… không dễ chịu
Khu đô thị mới Thanh Hà A có diện tích hơn 195 héc-ta, tổng mức đầu tư gần 4.400 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là hơn 2.400 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thanh Hà B có diện tích 193 héc-ta, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là hơn 2.000 tỷ đồng. Do đất dự án chưa được giải phóng mặt bằng nên Tập đoàn Mường Thanh sẽ phải tập trung thực hiện việc này trước.
Theo vị đại diện Tập đoàn, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án bất động sản phụ thuộc vào 2 yếu tố: thủ tục pháp lý và năng lực tài chính của chủ đầu tư. Về vấn đề thứ nhất, Dự án Thanh Hà Cienco 5 từ trước tới nay hầu như không có khiếu nại gì từ phía người dân. Còn năng lực tài chính của Tập đoàn Mường Thanh, thị trường đã có nhiều minh chứng. Tuy nhiên, do việc này chủ đầu tư khó có thể chủ động nên vị đại diện Tập đoàn cho biết, không thể nói trước về tiến độ dự án sau khi về tay chủ mới. |
Trong câu chuyện về giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị ven đô Hà Nội, phó tổng giám đốc một công ty bất động sản quy mô lớn, người đã trực tiếp chỉ đạo và thực hiện giải phóng mặt bằng một dự án có quy mô gần 80 héc-ta tại quận Hà Đông cho hay, họ đã mất hơn 3 năm. Tiến độ giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.
Trong đó, có 2 yếu tố khó chịu nhất, đó là quy định chủ đầu tư trực tiếp thỏa thuận phương án đền bù với dân; ngoài ra, các dự án lớn nằm trên nhiều địa bàn khác nhau sẽ rất phức tạp trong áp dụng giá đền bù. Đơn cử, 2 thửa ruộng gần nhau, nhưng giá đền bù có thể chênh lệch tới 4 - 5 lần vì đất phường, hoặc đất xã. Một khó khăn nữa mà đại gia Lê Thanh Thản phải đối mặt là khả năng giữ đất sạch không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.
Theo vị đại diện Tập đoàn, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án bất động sản phụ thuộc vào 2 yếu tố: thủ tục pháp lý và năng lực tài chính của chủ đầu tư. Về vấn đề thứ nhất, Dự án Thanh Hà Cienco 5 từ trước tới nay hầu như không có khiếu nại gì từ phía người dân.
Theo quy định, tiền đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, song chủ đầu tư phải ứng trước để chi trả cho người dân. Ở các dự án trước, ông Thản và cộng sự đã nổi tiếng với tài không để tiền chết, tiền được quay vòng nhanh để lại sinh ra tiền. Lần này, Dự án Thanh Hà sẽ là bài toán khó giải cho câu chuyện vòng quay tiền của ông.
Dẫu vậy, rất nhiều khách hàng đã góp vốn vào dự án này kỳ vọng, với cách làm nhanh của Tập đoàn Mường Thanh bấy lâu nay, dự án sẽ nhanh chóng lột xác. Đây cũng là những vấn đề theo chia sẻ của vị đại diện Tập đoàn, đã được đưa lên bàn tính kỹ. Theo quy hoạch trước đây, Dự án Thanh Hà sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị sinh thái, với không gian cây xanh và diện tích mặt nước chiếm tỷ lệ lớn. Các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề tại đây đều có diện tích khá lớn. Sau khi giải phóng xong mặt bằng, nhiều khả năng Mường Thanh sẽ xin điều chỉnh quy hoạch để có các sản phẩm phù hợp với công năng dự án, nhưng phù hợp với khẩu vị đầu tư và đặc biệt là tính thanh khoản.
Song đối thủ phải dè chừng
Thách thức là vậy, nhưng việc Mường Thanh trở thành ông chủ mới của Dự án Thanh Hà có quy mô lớn nhất nhì các dự án ven đô Hà Nội cũng khiến nhiều chủ đầu tư các dự án khác phải ngó lại mình. Nếu không bắt tay vào đẩy nhanh tiến độ dự án, Mường Thanh mà bung hàng tại đây, cục diện trên thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Tất nhiên, vị trí vẫn là yếu tố được nhiều người mua nhà lựa chọn và đong đếm khi quyết định xuống tiền chọn một sản phẩm nào đó. Song hiện đây không phải là yếu tố có trọng lượng hàng đầu. Một khu đô thị có mật độ vừa phải, được đầu tư hạ tầng tiện ích đầy đủ, giá bán sản phẩm hợp lý… người mua vẫn có thể chấp nhận một vị trí khá xa. Câu chuyện thành công của Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) là một ví dụ.
Động thái của nhiều đại gia bất động sản trên thị trường gần đây cho thấy họ đã cảm nhận được sức nóng của cạnh tranh phả sau lưng. Dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn của Tập đoàn Geleximco, gắn với đại gia Vũ Văn Tiền, gần đây có tên mới là The Green Manor Lê Trọng Tấn - Geleximco (gọi tắt là The Green Manor). Chủ đầu tư đang tập trung đổ tiền vào khu nhà liền kề biệt thự The Green Daisy (khu D trước đây), với diện tích 34,1 héc-ta. The Green Daisy được quy hoạch gồm 600 căn nhà liền kề với các loại căn hộ có diện tích đất từ 80 - 120 m2, tổng diện tích xây dựng từ 240 - 300 m2. Khác với trước đây chỉ bán đất nền, nay chủ đầu tư bán cả đất và nhà đã xây dựng 4 tầng hoàn thiện với giá từ 3,5 tỷ đồng/căn.
Hay CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã xẻ một phần lớn Dự án Nam An Khánh bán cho các nhà đầu tư thứ cấp có tiềm lực như Techcom Development (thuộc Techcombank), MB… với mục tiêu cùng nhau bỏ tiền đầu tư để toàn khu đô thị có bộ mặt mới, hấp dẫn người mua có nhu cầu ở thực…
Theo Đầu tư chứng khoán