Phía sau việc phát hiện nhanh các mầm bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, không thể không nhắc đến các kỹ thuật viên xét nghiệm của Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật - Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh.
Sự đóng góp thầm lặng của kỹ thuật viên xét nghiệm trong phát hiện bệnh gia súc |
Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật - Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Vĩnh Phúc có vai trò xét nghiệm, phân tích để xác định nguyên nhân gây bệnh, qua đó tham mưu cho Chi cục chỉ đạo, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, xử lý kịp thời, chính xác ổ dịch, góp phần hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thời tiết rét đậm rét hại cuối năm 2020, đầu năm 2021, độ ẩm thấp, là điều kiện thuận lợi để các loại virus trên đàn vật nuôi phát sinh, lây lan, đặc biệt là dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò...
Những ngày này, các cán bộ kỹ thuật của Trạm bận rộn hơn. Các mẫu bệnh phẩm được gửi về từ các địa phương. Mỗi kết quả xét nghiệm là một yếu tố quan trọng để cơ quan chuyên môn xử lý các ổ dịch tiềm ẩn.
Những năm qua, Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật đã được tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là máy định danh vi khuẩn tự động; đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, chủ động ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong giám sát dịch bệnh như: Kỹ thuật PCR, RT-PCR, Elisa.
Anh Đường Viết Thu, Phó Trạm trưởng chia sẻ: “Trạm có thể phát hiện kháng thể virus dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng bằng phương pháp Elisa, đáp ứng yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh động vật và quản lý nhà nước về thú y trên địa bàn”.
Công tác giám sát, đánh giá sự lưu hành mầm bệnh, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật được trạm đặc biệt quan tâm.
Năm 2020, trạm đã chủ động thu thập và xét nghiệm 650 mẫu bệnh phẩm của lợn để giám sát bệnh DTLCP; xử lý 300 mẫu bệnh phẩm lợn, ốm, chết của 35 hộ chăn nuôi lợn tại 9 huyện, thành phố.
Thu nhập và phân tích 600 mẫu gia cầm sống tại 60 lượt chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh để giám sát sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm; 2.400 mẫu huyết thanh gia cầm để kiểm tra bảo hộ sau tiêm vắc xin cúm gia cầm.
Phối hợp với Trạm Chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố thu thập 6.800 mẫu bệnh phẩm gia súc gia cầm tại 9 huyện, thành phố để chẩn đoán các bệnh do vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng gây bệnh.
Thường xuyên thu nhập mẫu bệnh phẩm ở các địa phương để giám sát các bệnh mới phát sinh như bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
Trạm phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương thực hiện giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi; phòng chuyên môn, Trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố giám sát dịch bệnh tại các cơ sở an toàn dịch bệnh.
Hiện, Trạm đã được Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 mang mã số VLAT - 1.190; đồng thời được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm 11 chỉ tiêu như: phát hiện virus cúm A/H5N1, Newcatle, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), salmonella gây bạch lỵ và thương hàn, cúm gia cầm H5N6 bằng phương pháp PCR; định danh vi khuẩn E.Coli và thử kháng sinh đồ bằng Vitek 2; định lượng kháng thể Cúm, Newcastle bằng phương pháp HI.
Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh khẳng định: Việc chẩn đoán, xét nghiệm nhanh và định danh được các loại vi khuẩn gây bệnh, kết quả xét nghiệm của Trạm là căn cứ pháp lý giúp Chi cục Chăn nuôi và Thú y làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật; quản lý cơ sở an toàn dịch bệnh; quản lý về điều kiện vệ sinh thú y theo quy định…
Đồng thời phát hiện sớm ổ dịch, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc…
Quang Sơn