Nước ta có 54 dân tộc anh em. Phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú phân tán, xen kẽ tại vùng núi với địa hình chia cắt phức tạp, nhiều địa bàn là nơi có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh; đời sống người dân đa phần còn khó khăn, trình độ phát triển không đồng đều, trình độ học vấn chưa cao, song đồng bào sở hữu văn hóa, tri thức bản địa phong phú, đa dạng.
Từ nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta luôn dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân tộc thiểu số, ban hành nhiều chính sách về phát triển thông tin, truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số. Song đến nay, sự hưởng thụ thông tin văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn không ít khoảng cách bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chưa thực sự coi trọng văn hóa, hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa dẫn đến truyền thông kém hiệu quả.
Theo nghiên cứu của TS Như Ngọc (Học viện Báo chí Tuyên truyền), trong hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta, văn hóa càng ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng bởi các lý do cơ bản:
Thứ nhất, văn hóa do con người sáng tạo ra, phát triển, tích lũy và gìn giữ. Bản thân truyền thông cũng là một yếu tố thuộc phạm trù văn hóa do là sản phẩm được hình thành và trao truyền bởi con người, nên truyền thông nói chung, truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta nói riêng như một lẽ tất nhiên không thể và khó có thể tách rời văn hóa, dẫn đến “văn hóa nào, truyền thông ấy”. Truyền thông góp phần thể hiện, truyền tải văn hóa; văn hóa tác động đến hiệu quả, chất lượng, xu hướng… truyền thông. Chừng nào còn con người và xã hội loài người, thì văn hóa vẫn luôn có tầm quan trọng và tác động đến truyền thông theo nhiều cách, ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Thứ hai, về phía chủ thể truyền thông. Sẽ là khuyết thiếu nếu không có hiểu biết nhất định về văn hóa, không quan tâm đến văn hóa nói chung cũng như văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, từ đó gây nên những hạn chế, nhược điểm về tri thức và hành động trong quá trình hoạt động truyền thông, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động truyền thông. Ví dụ, trong hoạt động truyền thông trực tiếp, cán bộ truyền thông gặp đồng bào mà không chú ý đến văn hóa giao tiếp như chào hỏi, thể hiện thái độ thân thiện, sẽ dễ khiến họ có thái độ không hợp tác; khi thấy nhà của đồng bào dân tộc thiểu số, như nhà của người Dao treo túm lá trước cửa mà cứ đi vào, sẽ vấp phải thái độ phản ứng của các thành viên gia đình, nên rất khó tiếp cận được đồng bào để tiến hành các hoạt động truyền thông…
Thứ ba, về phía đối tượng truyền thông. Hoạt động truyền thông dù được thể hiện, chuyển tải dưới hình thức nào, khi đến với đối tượng truyền thông cũng sẽ được đối tượng truyền thông tiếp nhận từ “lăng kính văn hóa” của bản thân - yếu tố thường chịu sự chi phối, tác động từ văn hóa của cộng đồng, dân tộc mình. Họ sẽ cảm thấy khó tiếp thu, khó chấp nhận nếu thông điệp truyền thông mang những yếu tố quá xa lạ, khác biệt với văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa. Nhìn rộng ra, khi tiến hành các hoạt động truyền thông, nếu bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố văn hóa nói chung, văn hóa địa phương nói riêng sẽ dễ gây sự khó chịu, khúc mắc, thậm chí cả những hiểu lầm… giữa chủ thể truyền thông và đối tượng truyền thông.
Quốc Tiến, Đình Thành, Đỗ Khôi, Trần Hảo, Thục Anh