Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng 10% trong rác thải sinh hoạt. Hiện nay, ở Việt Nam, mỗi năm thải ra khoảng 3,2 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi ni lông. Hơn 80% trong số đó bị thải ra môi trường sau khi dùng một lần.
Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng được các mô hình điểm về chống rác thải và nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh. Trong đó đáng chú ý các cấp hội phụ nữ đã vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ tăng cường sử dụng lại túi ni lông, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, nhiều cấp hội phụ nữ đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo chống rác thải như: Thu gom, phân loại, xử lý rác thải; tái chế rác thải nhựa, khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của các tổ chức hội góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường của cộng đồng.
Điển hình như Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình được triển khai đầu tiên tại xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư) từ năm 2018, với tên gọi ban đầu “Thu gom phế liệu bảo vệ môi trường". Hoạt động chính của mô hình là tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình hội viên phụ nữ phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình. Với rác thải hữu cơ, các gia đình mang đi chôn lấp để tận dụng làm phân bón hữu cơ, với rác thải vô cơ có thể tái chế, cán bộ chi hội đi gom về một điểm để bán. Số tiền thu được dùng để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo, gia đình chính sách...
Từ hiệu quả của mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố và cơ sở tuyên truyền, triển khai, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Hay như mô hình “Chống rác thải nhựa, túi ni lông” của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông (Hà Nội), triển khai rộng rãi tại các Chi hội Phụ nữ, qua đó phát 2.986 làn nhựa giúp chị em đi chợ, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông. Phong trào này đã được lan tỏa đến mọi người dân trên địa bàn toàn quận Hà Đông. Điểm sáng trong phong trào này có thể kể đến là phường Quang Trung với trên 1.700 người được Hội Phụ nữ tặng làn đi chợ. Đến nay, khoảng 90% số người này đã sử dụng làn và hộp đựng thực phẩm đi chợ, hạn chế đáng kể việc sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm. Ngoài việc sử dụng làn nhựa của các bà, các mẹ đã nghỉ hưu, nhiều cán bộ, công nhân viên chức còn chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy… Đáng ghi nhận là các bà, các chị đều hồ hởi sử dụng các sản phẩm thân thiện. Họ đều hiểu đây thực sự là chương trình rất ý nghĩa, giúp làm sạch môi trường, giảm thiểu ô nhiễm.
Còn tại Thái Nguyên, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Thái Nguyên đã duy trì và nhân rộng được nhiều mô hình Câu lạc bộ phòng, chống rác thải nhựa gắn với xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, như “Phụ nữ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; "Phụ nữ phát triển kinh tế bảo vệ môi trường"; “Phụ nữ thực hiện tiết kiệm từ việc thu gom rác thải tái chế”, “Phụ nữ đi chợ bằng làn”, …
Một Khảo sát do Chương trình Đối tác hành động quốc gia về Nhựa của Việt Nam (NPAP) thực hiện cho thấy, với vai trò là người chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình, phụ nữ là người ra quyết định mua sản phẩm nhựa. 71% người tham gia khảo sát quan tâm đến chất lượng và chất liệu của các sản phẩm nhựa họ mua, trong đó người tiêu dùng nữ quan tâm nhiều hơn người tiêu dùng nam. Hầu hết người tham gia khảo sát biết rằng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Từ các hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường, có thể thấy rõ vai trò của phụ nữ trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa tại các hộ gia đình, cộng đồng. Bởi họ chính là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải nên có thể truyền đạt thông tin và nâng cao nhận thức cho các thành viên gia đình về bảo vệ môi trường, qua đó góp phần từng bước hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.