Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau (đối với ô tô con, số linh kiện, phụ tùng có thể từ hơn 20.000 đến 30.000 – tính theo những linh kiện nhỏ nhất) được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, điện tử, cao su-nhựa, trong đó nhiều phụ tùng lại được lắp ráp từ vài chục đến vài trăm linh kiện như động cơ, hộp số.
Theo cách phân loại trình độ công nghệ của các ngành chế tạo của UNIDO, ô tô được xếp vào nhóm các ngành công nghiệp có công nghệ trung bình-cao, nhưng thực chất trong số hàng ngàn phụ tùng, linh kiện, mỗi loại cần công nghệ sản xuất khác nhau, từ công nghệ trung bình thấp (như một số sản phẩm ép nhựa đơn giản), đến những công nghệ cao, phức tạp (như hộp số, động cơ).
Xưởng lắp ráp xe bus của Thaco |
Chính vì các đặc điểm kỹ thuật nêu trên của sản phẩm ô tô, nên trong số các ngành công nghiệp sản xuất dân dụng, ngành ô tô có liên kết đầu vào – đầu ra rộng nhất và sự phối hợp công nghệ cao nhất. Vì lý do này, ngành này có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa của nền kinh tế quốc dân.
Một mặt, ngành công nghiệp ô tô sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và cả nền kinh tế.
Theo xu hướng phát triển, khi thu nhập của các cá nhân tăng cao, họ có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hiện đại đi kèm với chất lượng và bảo đảm an toàn. Đáp ứng được yêu cầu đó, ô tô sẽ là phương tiện được ưa chuộng và dần thay thế xe máy theo xu hướng phát triển đi lên của đất nước. Đồng thời, trong các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp, con người sử dụng ô tô như nguồn lực trực tiếp phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển.
Mặt khác, ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Công nghiệp ô tô là “khách hàng” của nhiều ngành công nghiệp có liên quan như: kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất,… Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Nhật Bản, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật (JAMA), công nghiệp ô tô đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời các nhà sản xuất ô tô, các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện cho ô tô cùng với các đại lý phân phối và dịch vụ khách hàng đã tạo ra gần 2,3 triệu việc làm.
Còn ở Mỹ, theo Thống kê của Hội đồng chính sách ô tô Mỹ (AAPC), nền công nghiệp ô tô chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra gần 1,6 triệu việc làm (tính chung cả các nhà sản xuất ô tô, các nhà cung cấp linh phụ kiện cũng như các đại lý dịch vụ) .
Chính vì vậy, việc duy trì và từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước, cụ thể:
Tạo tác động lan tỏa trong các ngành công nghiệp, tham gia vào việc thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, Việt Nam đã luôn duy trì được sự tăng trưởng GDP khá ấn tượng, khoảng 6-7%/năm. Công nghiệp đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Công nghiệp ô tô đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế |
Một trong số các yếu tố chính của sự thành công đó là đã thu hút đầu tư nước ngoài FDI hoặc cơ hội kinh doanh gia công, tập trung ở các ngành đòi hỏi nhiều lao động, như dệt may, da giày... do giá nhân công rẻ. Tuy nhiên hiện nay và trong tương lai, lợi thế cạnh tranh do giá lao động rẻ đang giảm dần. Nếu không có kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, rất có khả năng sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Vì vậy, Việt Nam cần phải cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia về chất, thông qua việc tăng hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm, nâng cao hàm lượng lao động có tay nghề, tăng nội địa hóa ở các ngành công nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy tác động lan tỏa của ngành công nghiệp ô tô đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Ví dụ tại Thái Lan, riêng 16 nhà sản xuất ô tô đã kéo theo sự phát triển và tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 doanh nghiệp hỗ trợ ở nhiều ngành nghề và công đoạn chế tạo khác nhau.
Số các doanh nghiệp ở Nhật Bản hỗ trợ cho việc lắp ráp ô tô vào khoảng 30.000. Có thể nói, ngành công nghiệp ô tô là ngành dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và vì vậy, cũng là ngành có ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp và của nền kinh tế nói chung ở mọi quốc gia.
Đóng góp của công nghiệp ô tô cho sự phát triển của cả ngành công nghiệp, cho nền kinh tế và xã hội là những thực tế hiển nhiên được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia có công nghiệp ô tô phát triển. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là cơ hội thu hút nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến cũng như kinh nghiệm kinh doanh và quản lý hiện đại của các quốc gia công nghiệp phát triển, cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với trình độ tay nghề cao, ý thức chấp hành kỷ luật lao động công nghiệp tốt.
Tại Việt Nam, tuy công nghiệp ô tô mới đang ở giai đoạn đầu, nhưng cũng đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đã đóng góp cho ngân sách thông qua các loại thuế hàng tỷ USD và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là chưa kể các đóng góp về thuế và việc làm do hệ thống đại lý và các nhà cung cấp của các doanh nghiệp sản xuất trong ngành mang lại.
Việc duy trì sản xuất ô tô thành công tại Việt Nam cũng tiếp tục duy trì cơ hội cho việc chuyển giao dần dần các công nghệ đa dạng, liên quan đến công nghiệp ô tô (công nghệ chế tạo cơ khí, công nghệ tin học tự động hóa, công nghệ vật liệu, kỹ năng quản lý và tối ưu hóa sản xuất, v.v…).
Mặt khác, nhu cầu đóng mới, sửa chữa các phương tiện phục vụ cho an ninh, quốc phòng với số lượng khá lớn và đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao, nên chỉ có ngành công nghiệp ô tô phát triển mới có thể đáp ứng được các nhu cầu trên.
Thu Uyên