Ngày tôn vinh doanh nhân Công nghệ 10/10 là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nhân công nghệ - những người tham gia kinh doanh trên nền tảng số đối với sự phát triển của ngành thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Sự kiện chính thức công nhận vai trò doanh nhân công nghệ trong kỷ nguyên số cũng như những giá trị thiết thực mà họ tạo ra cho xã hội
Đại diện ban tổ chức, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết, ngày tôn vinh doanh nhân công nghệ 10/10 thể hiện sự trân trọng đối với những người kinh doanh trực tuyến, những người đang là nòng cốt trong sự phát triển của TMĐT cũng như nền kinh tế số tại Việt Nam. Đơn vị này đang tiếp tục đồng hành và thúc đẩy các thương hiệu, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số.
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2016 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người). Doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Báo cáo về thương mại điện tử |
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sự chuyển dịch này giúp cho các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng kỹ thuật số, gia tăng lợi thế cạnh tranh và đạt được sự bứt phá về doanh thu bán hàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.
Các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử ngày càng nhiều |
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước tai đặt 52 tỷ USD.
Trên nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam, chỉ tính riêng trong 2 năm qua, số lượng nhà bán hàng kinh doanh đã tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 6 – tháng 8/2021 – giai đoạn đỉnh điểm của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, sàn đã ghi nhận tổng số lượng đơn hàng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, chuỗi sản xuất – cung ứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, thì những số liệu đáng khích lệ trên đã cho thấy cộng đồng Doanh nhân công nghệ đóng vai trò là lực lượng dẫn dắt nền kinh tế số và xứng đáng được ghi nhận trong sự phát triển của xã hội.
Bên cạnh sự kiện này, ban tổ chức còn nhiều hoạt động khác như toạ đàm trực tuyến “Tự hào Doanh nhân Công nghệ” và hội thảo trực tuyến “Khởi nghiệp doanh nhân ccông nghệ: Tại sao không?” nhằm mở ra nhiều góc nhìn mới, cũng như cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về cách thức vận hành kinh doanh hiệu quả trên nền tảng TMĐT.
Thư Kỳ
Đặc sản Việt ra mắt chợ mới và cú gây sốt toàn cầu
Bất chấp đại dịch Covid-19, nông sản Việt xuất khẩu vẫn đạt được kết quả ấn tượng, quả vải thiều gây sốt toàn cầu. Tại thị trường nội địa, các loại rau quả cũng đua nhau tham gia “chợ mới”.