Tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kinh tế nhà nước được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng điều tiết dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của Kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là điểm đặc trưng khác biệt, tiến bộ của Kinh tế thị trường định hướng XHCN.

{keywords}
Vai trò của kinh tế nhà nước đã được khẳng định trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.

Kinh tế tư nhân được khẳng định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sau gần 35 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, DNNN tại Việt Nam vẫn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự hiện diện của DNNN trong các ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược về quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội. DNNN là công cụ khắc phục những thất bại hoặc thiếu hụt của thị trường (như các thành phần kinh tế khác không muốn tham gia hoặc không có khả năng tham gia; không có thị trường hoặc chưa hình thành được thị trường cạnh tranh).

Chia sẻ với PV Tiền Phong về vai trò và sứ mệnh của DNNN trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước đã được khẳng định trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

"Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng có nhiều nghị quyết nói về sắp xếp đổi mới, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Điều đó chứng tỏ, các nghị quyết của Đảng đã quan tâm, thấy được vai trò của doanh nghiệp nhà nước đóng góp với sự phát triển của kinh tế quốc gia. Bối cảnh hiện nay, nghị quyết có điểm mới là phát triển kinh tế gắn với chuyển dịch kinh tế số, xã hội số và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Lựa chọn doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp nhà nước, vừa gắn với kinh tế số là sự lựa chọn phù hợp. Việc này đáp ứng cả nhu cầu của chính sách, nghị quyết và thực tiễn hội nhập nền kinh tế", ông Thành nói.

Có hai điểm nhấn trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là chuyển đổi số và khát vọng dân tộc, đưa đất nước đến các mốc lịch sử 2030 (100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) đến 2045 (100 năm thành lập nước Việt Nam) thành một quốc gia, dân tộc hùng cường. Theo định hướng ấy, ông Thành phân tích: Các DNNN đang có lợi thế rất lớn bởi nguồn lực nhà nước đang có, chuyên sâu về các lĩnh vực đó. Lợi thế rất lớn còn là năng lực quản trị của các tập đoàn, tổng công ty nhà nưóc đã hoạt động hơn 30 năm và đội ngũ lạnh đạo được đào tạo bài bản, kinh nghiệm.

"Cơ chế pháp lý nhà nước ngày càng rõ ràng, công khai, minh bạch, là nền tảng cơ bản để doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ đề ra. Ngoài ra, còn điểm quan trọng là vấn đề cải cách thể chế, 3 trụ cột chuyển đổi chiến lược của đất nước, trong đó có trụ cột chuyển đổi thể chế", ông Nguyễn Chí Thành kiến nghị.

Lương Bằng