Vải thiều "giải cứu" ở Hà Nội giá 20 nghìn, ở Nhật giá 500 nghìn
Vải thiều Bắc Giang đã bước vào chính vụ thu hoạch nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến vấn đề tiêu thụ bị ảnh hưởng. Để chung tay giúp đỡ bà con, những ngày này, những điểm bán vải Bắc Giang đã xuất hiện trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Dịp này là đầu mùa nên đa phần là vải thiều u hồng, u trứng, quả to, mã đẹp, ngọt. Vải thiều được đóng sẵn vào túi nilon trọng lượng 10kg để mọi người tiện mua.
Vải được bán với giá 20.000 đồng/kg. Các điểm giải cứu vải thiều ở Hà Nội đang khá đắt khách. Có những điểm bán chỉ vài giờ đồng hồ đã tiêu thụ hết 3-4 tấn vải.
Nhiều điểm bán vải thiều hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang ở Hà Nội |
Cũng liên quan đến vải thiều, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang, cho biết, ngày 27/5, vải thiều sớm Tân Yên chính thức lên kệ siêu thị Nhật Bản. Loại quả đặc sản này của Việt Nam được đóng trong hộp và bán với giá dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg.
Xoài ở miền Nam ế rụng đầy vườn, miền Bắc đắt hàng giá cao
Quả xoài ở 2 miền Nam, Bắc của nước ta đang có số phận trái ngược. Trong khi xoài ở miền Nam ế rụng đầy vườn thì xoài ở miền Bắc lại đắt hàng, giá cao.
Cụ thể, xoài Úc được trồng ở Cam Lâm (Khánh Hòa) những năm trước có giá 20.000-30.000 đồng/kg hiện còn 3.000-4.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Xoài cát Hòa Lộc giá chỉ 20.000 đồng/kg, xoài Thái còn 15.000 đồng/kg, riêng xoài Đài Loan bán tại vườn giá chỉ 3.000 đồng/kg.
Trái ngược với thảm cảnh tại các “thủ phủ” xoài trong Nam, dịp này, ở vựa xoài Sơn La, người dân tất bật thu hái kịp cho những đơn hàng xuất khẩu, bất chấp dịch Covid-19. Tại huyện Mường La, mới đây, lô xoài 60 tấn cũng lên đường để xuất sang Trung Quốc với giá cao.
Giá dưa hấu, bí xanh, khoai lang rớt thảm
Hơn 40ha dưa hấu của người dân xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đã đến kỳ thu hoạch. Tuy được mùa nhưng giá dưa hấu giảm hơn phân nửa so với năm ngoái, chỉ còn từ 3.500-3.800 đồng/kg. Trong khi đó, người trồng phải chi khoảng 90 triệu đồng để đầu tư trồng 1 ha dưa.
Tương tự, bí xanh được trồng ở Vũ Thư, Thái Bình đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái hỏi mua. Người dân đem ra chợ bán lẻ với giá 2.000-5.000 đồng/kg. Năm trước, giá bí là 10.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá bí xanh là 7.000-10.000 đồng/kg. Ngoài bí xanh, bí đỏ cũng rớt giá chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg.
Bí đao chất đống trong nhà, giá rớt thảm (Ảnh: Thảo Nguyên) |
Nhiều nông dân trồng khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) cũng đang điêu đứng vì giá khoai lang giảm thê thảm, chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg. Thậm chí, có người trồng kêu cho nhưng không ai lấy.
Giá vé máy bay gần chạm đáy
Theo khảo sát của Zing, do tác động của dịch Covid-19 nên giá vé máy bay nội địa giảm mạnh. Với chặng bay TP.HCM - Hà Nội khứ hồi khởi hành vào ngày 2/6 và trở về vào ngày 5/6, giá vé rẻ nhất hiện ở mức gần 900.000 đồng đã bao gồm thuế, phí.
So với lần gần nhất chạm đáy, giá vé máy bay nội địa nhích nhẹ, phần vì các vé ưu đãi 0 đồng đã được bán hết, phần vì các hãng bay tăng thuế, phí để bổ sung nguồn thu trong giai đoạn thị trường khó khăn. Giá vé gốc các hãng bay đưa ra chỉ ở mức 5.000 đồng, 6.000 đồng, 49.000 đồng hay 99.000 đồng.
Đào 'đội lốt' đặc sản Sapa giá chỉ 20.000 đồng/kg
Báo Tiền Phong thông tin, trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn, loại đào được gắn mác đào Sapa được bày bán la liệt. Những trái đào “đội lốt' đào Sapa căng mọng, sáng bóng với giá cực rẻ, chỉ từ 16.000-20.000 đồng/kg.
Những trái đào to mọng này được tiểu thương quảng cáo có nguồn gốc từ Sapa. |
Bà C., tiểu thương bán trái cây ở chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM), khẳng định: “Đào bán ở mấy xe đẩy, hàng rong là đào “giả”, còn đào của tôi mới là Sapa chính hiệu. Những người bán đào giá chưa tới 20.000 đồng đều là không phải của Sapa, còn xuất xứ ở đâu thì tôi không biết. Đào Sapa là phải to tròn, chín hồng như vầy mới là hàng thật”.
Thịt lợn hơi giảm mạnh, thịt ở chợ vẫn chưa giảm giá
Thời gian qua, giá lợn hơi liên tục giảm. Vào đầu tháng 5, giá lợn hơi ở mức thấp nhất trong một năm qua và dự báo vẫn tiếp tục giảm. Hiện giá thịt lợn hơi được thu mua trong khoảng 64.000-69.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm 2020, giá lợn hơi trên cả nước đã giảm từ 30.000-32.000 đồng/kg.
Nhưng giá thịt lợn bán tại chợ và siêu thị hiện vẫn ở mức cao. So với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tại các siêu thị không đáng kể, chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Còn tại các khu chợ truyền thống, giá thịt lợn hiện ở mức 120.000-160.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá thịt lợn giảm 25.000-35.000 đồng/kg.
Lý giải về việc giá lợn hơi giảm kỷ lục nhưng giá bán vẫn ở mức cao, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lý giải, nguyên nhân là từ khâu giết mổ đến bán hàng ở Việt Nam hiện còn qua rất nhiều nấc trung gian. Mỗi khâu lại tốn kém thêm các chi phí, dẫn đến thịt thành phẩm đến tay người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành như mong muốn.
Ruột măng cụt xanh 'bay' ra Hà Nội giá 'chát' vẫn đắt hàng
Thời điểm này, măng cụt bắt đầu vào mùa. Bên cạnh những trái măng cụt chín đỏ, thơm ngọt, mọng nước có giá từ 45.000-80.000 đồng/kg thì loại măng cụt vỏ còn xanh, ruột giòn, vị thanh mát hơi chua nhẹ lại được nhiều người lùng mua.
Ruột măng cụt xanh có giá nửa triệu đồng/kg (ảnh: NT) |
Măng cụt lúc xanh còn là món ăn đặc sản hiếm có, bởi việc thu hái, sơ chế mất rất nhiều công sức. Hơn nữa, do mỗi năm chỉ có một mùa nên giá loại quả này không hề rẻ. Măng cụt xanh chưa gọt vỏ giá từ 80.000-95.000 đồng/kg. Riêng măng cụt đã gọt vỏ giá vô cùng đắt đỏ, lên đến 480.000-650.000 đồng/kg tùy thời điểm. Bởi, phải gọt khoảng 4-5kg quả mới được 1kg ruột.
Điện máy khan hàng, tăng giá
Chia sẻ trên Báo Người Lao Động, ông Trương Hoàng Thanh, phụ trách kinh doanh một hệ thống siêu thị điện máy tại TP.HCM, cho biết hầu hết sản phẩm điện máy mẫu mới đều tăng giá ít nhất 3-5%, riêng tivi tăng mạnh 10-20%. Còn đại diện hãng điện máy Media thông báo các mặt hàng đều tăng giá từ 8-20%.
Tương tự, ông Lê Xuân Hoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, dẫn chứng linh kiện tăng giá 20%, nguyên liệu đồng tăng giá 50% và nhựa tăng 20%... để giải thích cho kế hoạch có thể điều chỉnh giá sản phẩm thêm 10%-20% trong thời gian tới. Trong khi đó, mức dự kiến tăng giá tại Công ty CP Viettronics là 10-30%.
Các hãng cảnh báo khả năng thiếu hụt nguồn cung tivi sẽ còn kéo dài từ nay đến cuối năm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Nguyên nhân khiến hàng điện máy khan hàng, tăng giá là do chi phí vận chuyển tăng gấp 3-4 lần bên cạnh giá linh kiện tăng 8-9% so với năm ngoái.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Giữa trưa nắng rát, người Hà Nội mua vải thiều ủng hộ Bắc Giang
Giữa trưa, người dân Hà Nội đội nắng đi mua vải thiều ủng hộ nông dân Bắc Giang vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.