Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hầu như không có mối liên quan nào giữa kích thước ngực của mẹ với việc sản xuất sữa.
Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp cho con sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Đây là lý do tại sao tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.
Chính vì lợi ích đó, dù không phải là phương pháp duy nhất nhưng nuôi con bằng sữa mẹ vẫn được các mẹ tin tưởng. Tuy nhiên, có nhiều quan niệm sai lầm xung quanh việc nuôi con bằng sữa mẹ mà các mẹ không nên tin vào.
1. Mẹ có ngực nhỏ sẽ không có đủ sữa cho trẻ bú
Sự thật: Các mẹ đừng lầm tưởng chỉ ngực to mới đủ khả năng cung cấp đủ sữa cho bé bú. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hầu như không có mối liên quan nào giữa kích thước ngực của mẹ với việc sản xuất sữa. Chỉ có một bất lợi là người mẹ ngực nhỏ dung lượng chứa sữa sẽ ít hơn. Tuy nhiên, mẹ có thể khắc phục điều này bằng cách tăng số lần bú cho con để con bú thường xuyên hơn.
2. Nên nặn ngực để sữa chảy ra nhanh hơn
Sự thật: Các mẹ cần biết rằng việc nặn không đúng cách có thể dẫn tới hiện tượng nhiễm trùng hoặc viêm vú, gây ảnh hưởng đến nguồn sữa cho trẻ. Không những vậy, mẹ nặn vú khi tay không được vệ sinh sạch thì rất có thể sẽ tạo vi khuẩn gây bệnh cho bé.
3. Các mẹ đang cho con bú không nên tập thể dục
Sự thật: Các nhà khoa học đã chỉ ra được rằng không có sự khác biệt trong lượng sữa cũng như thành phần của sữa mẹ khi có hoặc không tập thể dục, vì thế cân nặng của bé chắc chắn cũng không bị ảnh hưởng, mà lại còn giúp mẹ cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Các nhà khoa học đã chỉ ra được rằng không có sự khác biệt trong lượng sữa cũng như thành phần của sữa mẹ khi có hoặc không tập thể dục (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng tập thể dục xong lượng acid lactic sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ rõ, không có sự tăng acid lactic nào khi tập thể dục với cường độ vừa phải (50 tới 75% sức lực). Lượng này chỉ tăng lên nếu mẹ cố sức tập hết 100% sức lực.
Tuy nhiên, La Leche League (một tổ chức qui mô thế giới với sứ mệnh khuyến khích trẻ bú mẹ) cũng khuyến khích các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ chỉ nên tập thể dục khi trẻ được ít nhất 5 tuần tuổi, bắt đầu tập nhẹ và bổ sung nhiều nước. Đi bộ nhanh, tập aerobic nhẹ và bơi lội có thể là cách lý tưởng để bắt đầu chế độ “lấy lại vóc dáng sau khi sinh”, nhưng không được tập quá mức.
4. Không thể mang thai khi đang cho con bú
Sự thật: Đúng là việc cho con bú có thể đóng vai trò như là một biện pháp tránh thai tự nhiên vì các hóc-môn sinh ra sữa sẽ ngăn trứng của mẹ không bị rụng. Đây là lý do vì sao rất nhiều bà mẹ không thấy kinh nguyệt khi họ đang cho con bú. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng nên các mẹ vẫn cần phải sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó.
Các mẹ cũng đừng nghĩ rằng chỉ vì chưa thấy có kinh nguyệt thì mình sẽ không thể có thai được. Mẹ nên biết rằng mình có thể thụ thai tận 2 tuần trước kỳ kinh đầu tiên. Vì mẹ không thể biết được khi nào mình sẽ có kinh trở lại, tốt nhất là hãy đề phòng.
5. Uống nhiều sữa giúp tăng lượng sữa mẹ
Sự thật: Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ không cần phải uống thêm sữa, thay vào đó hãy uống nhiều nước mỗi ngày. La Leche League (một tổ chức qui mô thế giới với sứ mệnh khuyến khích trẻ bú mẹ) cho biết, các mẹ nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều thực phẩm lợi sữa và tránh ăn uống các đồ ăn kích thích.
6. Mẹ sẽ không có sữa trong vài ngày đầu tiên
Sự thật: Trong vài ngày đầu mẹ vẫn có sữa và những giọt sữa mẹ đầu tiên được gọi là sữa non. Loại sữa này rất cô đặc, giàu chất đạm (protein) và những kháng thể. Sữa non lót ruột của trẻ sơ sinh và bảo vệ trẻ chống lại những vi khuẩn có hại. Nó dần dần giảm bớt khi sữa thuần thục của người mẹ tiết ra vào ngày thứ 3 - 5.
Trong vài ngày đầu mẹ vẫn có sữa và những giọt sữa mẹ đầu tiên được gọi là sữa non (Ảnh minh họa) |
7. Cho con bú mẹ sẽ ngủ ít hơn
Sự thật: Các mẹ có thể nghe nói rằng các em bé thường ngủ trong khi ăn, nhưng mẹ có biết rằng chính bản thân mình cũng dễ dàng thiếp đi khi đang cho con bú?
Ông Amy Spangle, chủ tịch website babygooroo.com và tác giả của những cuốn sách viết về cho con bú, cho biết “Khi cơ thể giải phóng hormone oxytocin, nó có tác dụng làm dịu thần kinh, cho phép các bà mẹ thư giãn. Đó là phản ứng kỳ diệu cho thấy cơ thể của mẹđang tự chăm sóc bản thân".
8. Cho con bú gây đau
Sự thật: Cho con bú có thể gây khó chịu nhưng nó không phải là nguyên nhân gây đau. Mặc dù cho con bú sẽ gây ra cảm giác hơi lạ và thậm chí là khó chịu tại một số thời điểm, nhưng nó không có nghĩa là gây đau. Tình trạng đau là cách cơ thể nói với chúng ta có điều gì đó không ổn và nếu tự nhiên việc cho con bú gây đau dễ nhận thấy thì cần phải khám bác sĩ.
Những lý do gây đau khi cho con bú có thể là do nhiễm nấm trên đầu ti, cách bú không đúng của trẻ hoặc là dấu hiệu bạn lại đang có thai. Tất cả những triệu chứng này có thể sửa đổi một cách dễ dàng (trừ trường hợp mang thai) và không nên cản trở khả năng cho con bú của mẹ.
(Theo Khám phá)