- Hoạt động với danh nghĩa là chương trình giúp người nghèo thoát nghèo nhưng chương trình “Trái tim Việt Nam” của ông Trần Đức Trung thực chất giống mô hình đa cấp, huy động tiền của người nghèo với những lời mời gọi 'có cánh'.

PV VietNamNet đã tìm gặp những người dân nghèo đã nộp tiền vào Trung tâm này để tìm hiểu chiêu trò cụ thể mà chương trình này áp dụng để lôi kéo người dân tham gia mạng lưới.

Lãi suất ‘siêu’ lợi nhuận?

Gần đây nhiều người dân nghèo ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa), Đức Thọ (Hà Tĩnh) được một số người xưng là 'cộng tác viên' của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo phát triển Nông thôn mới đến vận động góp tiền vào chương trình “Trái tim Việt Nam” (TTVN) để được hưởng lãi suất “siêu lợi nhuận”.

Bà L.T.Th. (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, bà được bà Lê Thị Tý (55 tuổi, trú Hà Nội) trong dịp về quê giỗ mẹ "mời chào" góp tiền vào chương trình. Thủ thủ tục tham gia rất đơn giản: chỉ cần đóng 1,2 triệu đồng sau 15 tháng sẽ được hưởng 5,7 triệu đồng. Sau khi nộp 1,2 triệu đồng, trong tháng đầu sẽ được nhận số tiền lãi 100.000 đồng, tháng tiếp theo 200.000 và tháng thứ 3 là 500.000. Trong các tháng còn lại sẽ nhận đều 300.000 đồng. Tới khi đủ 5,7 triệu đồng thì sẽ tiếp tục quay vòng trở lại.

{keywords}

Đơn tự nguyện tham gia chương trình "Trái tim cho em" mà bà Tý sử dụng để mời người dân góp tiền nhận lãi khủng.

Một người tham gia nhiều "suất" thì được nhiều "quyền lợi". Ví dụ, nếu nộp 10 suất thì đáng ra là 12 triệu nhưng chỉ cần nộp 7,5 triệu đồng (9 suất sau chỉ phải đóng 700.000 đồng/suất). Hàng tháng tiền lãi sẽ tự động được chuyển vào tài khoản.

Ngoài ra, nếu gọi thêm được 1 người khác tham gia, sẽ được hưởng 500.000 đồng trong 1,2 triệu mà người mới nộp cho trung tâm!

Ông Nguyễn Ngọc Tình, Chủ tịch UBND xã Thiệu Long (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn xã đã có 46 người tham gia, mức đóng từ 1,2 triệu đến 10 triệu đồng, tổng cộng số tiền đã lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, họ chưa được hưởng một chút lãi suất nào cũng như hình thức trả lãi khiến người dân vô cùng bức xúc.

{keywords}

Bà Lê Thị Tý tư vấn để người dân góp tiền tham gia trung tâm.

Bà Vũ Thị Vạn (SN 1966) thuộc diện hộ nghèo, đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội của xã, đã vay 2.600.000đ để tham gia, bây giờ tiền gốc chẳng lấy được huống gì lãi. Còn có nhiều người dân nghèo khác ở xã tham gia như: bà Lê Thị Hồng, ông Lê Văn Đôn, Nguyễn Văn Thế, …

“Ông Lê Văn Thế (Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, cộng tác viên của trung tâm) đến vận động người dân tham gia. Ông Thế còn viết giấy cam đoan sau 1 năm sẽ trả đủ số tiền, nhưng ông ấy cũng chẳng biết ai là người trả số tiền đó”, bà Vạn chia sẻ.

Thu tiền thật, trao tượng trưng

Ở xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) một số người xưng là của trung tâm đến vận động người dân tham gia đóng góp tiền. Họ tổ chức buổi lễ trao quà từ thiện với 10 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5,2 triệu đồng/sổ và tặng cho nhân dân 300 lít phân vi sinh.

{keywords}

Điểm tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo phát triển Nông thôn mới tại địa chỉ 447, đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa

Ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành cho biết, tại buổi lễ trao quà, Trung tâm chỉ trao cho xã 300 lít phân bón còn món quà nhà tình nghĩa và 10 sổ tiết kiệm chỉ là trao tượng trưng bằng những bìa giấy ghi số tiền. Đến nay, ngoài tấm bìa trên người dân không hề nhận được bất kỳ khoản tiền nào.

Cũng trong buổi trao quà từ thiện, người của trung tâm đã kêu gọi bà con góp vốn cổ phần vào trung tâm để được “hỗ trợ thoát nghèo” với chương trình có tên “Trái tim Việt Nam” cũng với chiêu thức tương tự như trên ở Hà Tĩnh.

Đặc biệt, hơn 1 tháng trước, chương trình “Trái tim Việt Nam” cũng trao quà tại UBND phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), đề nghị trao 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5,2 triệu đồng cho 10 hộ nghèo và hỗ trợ 50.000.000 đồng cho 1 hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Tuy nhiên tất cả những "món quà" này cũng mới chỉ được trao tượng trưng, chưa thấy tiền thật đâu.

{keywords}

Chai phân vi sinh là món quà mà Trung tâm dành tặng người dân nghèo!

Được biết, tại Thanh Hóa có nhiều điểm tư vấn của trung tâm như: 447 Nguyễn Trãi; đường Thành Thái; cầu Quán Nam (TP Thanh Hóa); huyện Thiệu Hóa; Yên Định…

Ông Nguyễn Ngọc Tình, Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết, hiện nay trên địa bàn xã chỉ mới thống kê được 46 hộ tham tham gia. Thực tế, còn rất nhiều người tham gia, nhưng có thể là giấu vợ/chồng hoặc xấu hổ vì bị lừa nên không làm đơn phản ánh.

“Nhận thấy hoạt động của trung tâm không phù hợp pháp luật và ảnh hưởng tới quyền lợi của dân nên tôi đã làm văn bản báo cáo lên cấp trên. Hiện Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa đã có văn bản gửi hội nông dân các xã, đồng thời trình báo lên cơ quan công an điều tra làm rõ hành vi đa cấp đối với trung tâm này”, ông Tình cho biết.

Ông Lê Kim Hải, Trưởng công an xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho hay, đối tượng mà "trung tâm" nhắm tới là những người nông dân nghèo, thiếu thông tin. "Chứ gửi có 1,2 triệu thu về gần 6 triệu đồng thì hoàn toàn vô lý. Đây có thể là một hình thức lừa đảo mới. Cần phải cảnh báo tới người dân" - ông Hải nói.

Chiều ngày 17/11, khi phóng viên tới điểm tư vấn tại địa chỉ 447, đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa, bên trong nhà chỉ có một bộ bàn ghế. Khi phóng viên vào gõ cửa thì một người ở trong nhà nói vọng ra nói “không có ai làm việc cả”.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Dùng 14 tỷ để xây nhà tình nghĩa?

Ngày 10/11 tại Hà Nội, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với Trần Đức Trung (Chủ tịch Hội đồng tư vấn Trung tâm hỗ trợ người nghèo phát triển Nông thôn mới) và bà Lê Hằng, TGĐ chương trình - Đại sứ thiện chí phát triển Nông thôn mới về những nghi vấn mà dư luận đặt ra cho công ty này.

Ông Trung thời điểm đó khẳng định trung tâm đã giải ngân khoảng hơn 20 tỷ, trong đó có 14 tỷ tiền mặt được sử dụng để xây nhà tình nghĩa, tiền trả cho các thành viên (theo tỷ lệ đóng góp 1,2 triệu được nhận hơn 5 triệu đồng); giá trị hiện vật quy ra tiền mặt khoảng trên 7 tỷ đồng.

Về những thông tin mà người dân các địa phương phản ánh, VietNamNet đã nỗ  lực liên hệ với ông Trần Đức Trung trong ngày 17/11 nhưng tất cả các số điện thoại của ông Trung đều tắt máy.

Lê Dương - Văn Đức