TP.HCM có 7 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên. Để đạt được độ bao phủ tiêm cho 70% trong số này, TP cần 5,5 triệu liều vắc xin. Hiện TP đã tiêm 4,3 triệu liều, trong đó mới có 100.000 người tiêm đủ 2 mũi. Như vậy từ nay đến cuối tháng, TP cần khoảng 1,2 triệu liều vắc xin.
Trong khi TP.HCM cũng như nhiều địa phương trong cả nước cũng đang “khát” vắc xin để tiêm chủng cho dân thì vẫn có nơi lại triển khai quá chậm. Như vậy có nghĩa, có nơi thì đang mòn mỏi trông ngóng, “ăn đong” từng ngày, chờ đến lượt được phân bổ tiếp chỉ tiêu thì vẫn có nguy cơ vắc xin tại đâu đó chưa kịp tiêm đã hết hạn chỉ vì một số địa phương triển khai ỳ ạch.
“Tối hậu thư” của Bộ Y tế
Chính vì thế mới có chuyện, ngày 6/8, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), các đơn vị thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức tiêm chủng với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm.
TP Cần Thơ đưa xe chuyên dụng lưu động đến tiêm vắc xin cho người dân khu phong tỏa. Ảnh: Hoài Thanh |
Đây có thể xem như một nghịch lý khó chấp nhận lúc này, khi đại dịch đang bùng phát với biến chủng Delta hết sức nguy hiểm.
Liệu nguyên nhân là lượng vắc xin phân bổ về các nơi quá ít, cách phân bổ còn lúng túng, hay chủ quan chưa thấy nguy cơ lây lan tới địa phương mình, hay nhân lực tổ chức tiêm chủng thiếu, không thể tiêm kịp, hay do vẫn còn “kén cá chọn canh”, người dân chờ có vắc xin ưng ý mới chịu ra tiêm chăng?
Điều này cũng hy hữu mà Hải Phòng là một ví dụ, xin được vay trước tỉnh bạn chưa kịp tiêm để tiêm trước cho địa phương mình bất kể loại vắc xin nào, bởi cứ được tiêm sớm đã là yên tâm, là có thể tiếp tục lao động sản xuất.
Bộ Y tế đã phải ra “tối hậu thư” từ ngày 10/8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng, điều phối vắc xin cho nơi khác và tạm dừng phân bổ các đợt tiếp theo cũng như công khai để cho toàn xã hội tỏ tường.
Theo tôi, điều này rất đúng và cần thiết. Không thể để chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ trong chống dịch mà lại có chuyện chậm trễ đến như vậy.
Tất nhiên, vẫn có nhiều địa phương triển khai tốt đáng ghi nhận trong tiêm chủng mà Sở Y tế Bình Dương là một ví dụ điển hình đến mức vắc xin không kịp bổ sung.
Bên cạnh đó, trong cách tổ chức triển khai tiêm chủng tại các địa phương vẫn có những điều chưa thật khoa học. Đã có những bất cập được khắc phục kịp thời, như tránh tập trung đông người ở điểm tiêm, hay đưa shipper, lái xe vào diện ưu tiên tiêm chủng và ít nhiều họ đã được tiêm, song phải thừa nhận thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm.
Rất nhiều đối tượng khác cũng nên được ưu tiên tiêm sớm, đó là người làm vệ sinh môi trường; người hành nghề cắt tóc, gội đầu; người bán hàng ở chợ cóc (còn trung tâm thương mại thì có thể dễ được quan tâm hơn); người phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng; người thân gần gũi hàng ngày với lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, kể cả những dân phòng, tự vệ phường, xã...
Đối với các hoạt động kinh tế, có khá nhiều lĩnh vực được xem là “mũi nhọn” cần quan tâm. Vừa rồi Bắc Ninh, Bắc Giang rất quyết đoán và sáng suốt khi cho công nhân tại các khu công nghiệp tiêm đại trà để rồi hôm nay, trạng thái bình thường mới đã trở về đầy ngọt ngào, vui mừng khôn tả khi trước đó tưởng như đã “vỡ trận”.
Hướng đi đúng
Tại tỉnh Quảng Ninh, một địa danh du lịch quan trọng của nước nhà, tổng số vắc xin tiêm phòng Covid-19 đợt 5 được tỉnh phân bổ tiêm cho lao động ngành du lịch là 6.853 liều, trong đó đã sử dụng 6.758 liều (chưa tính số liều được sử dụng từ nguồn vắc xin của địa phương).
Lao động ngành du lịch tiêm vắc xin tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh |
Thế nhưng, số lao động ngành du lịch trong toàn tỉnh đã được tiêm là 7.043 trong tổng số 8.338 người đăng ký tiêm phòng (đạt 76%). Con số này vượt cao hơn số liều vắc xin tỉnh phân bổ cho lao động ngành du lịch. Đó là một cố gắng lớn và cách nhìn ra đối tượng nào là cần nhất được ưu tiên…
Rồi tại Phú Quốc, Kiên Giang, kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ dân Đảo Ngọc là một hướng rất đúng để chủ động đón khách quốc tế dù dịch có thể sẽ kéo dài.
Mới đây, các hiệp hội Dệt may, Da giày, Chế biến gỗ, Điện tử đã chủ động tìm được nguồn vắc xin từ UAE và đề nghị Thủ tướng hỗ trợ mua. Đây là những ngành kinh tế góp phần mang giá trị xuất khẩu với vài chục tỷ USD cho đất nước. Nếu họ bị nhiễm sẽ ảnh hưởng ghê gớm cho kinh tế nước nhà do đứt gãy sản xuất, đối mặt nguy cơ sẽ mất thị phần…
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 8/8 cho hay, có những đêm ông phải ngồi đọc thư của các doanh nghiệp trình ông ký để giới thiệu với các nước, giúp họ chủ động tìm nguồn vắc xin theo lối ký bảo lãnh cho nhập về.
Như vậy tức là chúng ta đã cho phép các doanh nghiệp có thể tự tìm nguồn vắc xin với điều kiện thông qua Bộ Y tế cấp phép nhập và kiểm duyệt, giống cách Thủ tướng đồng ý giao Bộ Y tế hỗ trợ 4 hiệp hội trên. Đây là hướng làm đúng nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn của nhà nước trong khi doanh nghiệp có thể tự thu xếp được.
Tôi cũng mong Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nên ưu tiên một phần nhỏ nào đó số vắc xin khi nhập về, chuyển giao cho các DN từng đóng góp Quỹ khá lớn kinh phí bữa trước để họ được tiêm sớm.
Nên trân trọng những gì họ đã đóng góp cho đất nước và xem đây như một cách trả nghĩa sớm với người lao động của họ và cũng giúp các DN có dịp trả nghĩa khách hàng mà không phải thêm một lần bỏ kinh phí mua bởi nhiều doanh nghiệp như tôi biết, họ đóng góp rất trách nhiệm nhưng thực lực đã rất đuối hơi.
Liệu ngoài việc tổ chức tiêm miễn phí cho mọi người dân thì có nên để các doanh nghiệp y tế được phép nhập về tiêm theo hình thức dịch vụ, tự nguyện? Hy vọng cách làm này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho y tế nhà nước khi vẫn có một bộ phận người dân, kể cả người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, có điều kiện kinh tế, muốn tiêm càng sớm càng tốt…
Thế mới thấy, khi nước nhà chưa có vắc xin nhập về, chúng ta gặp khó ra sao. Thế nhưng khi đã có để nhập về, dù còn ít đi nữa, thì căng người ra tiêm cũng vẫn không kịp. Điều đó cho thấy ngành y tế của chúng ta, tuy đã cố gắng rất nhiều, song vẫn còn những hạn chế nhất định cần được nhìn nhận và khắc phục.
Chỉ có khi nào chúng ta tự chủ được vắc xin, tự chủ được thuốc điều trị trong nước sản xuất thì mới có thể tính chuyện “sống chung với virus” ở thế chủ động và tự tin nhất có thể. Chúng ta đã và đang từng bước làm được việc đó!
Quốc Phong
Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM
Virus sẽ còn tồn tại và vì thế chính sách cần hợp lý giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế cho dân, hoạt động của doanh nghiệp.