Ngày 9/6, TAND TP Hà Nội xét xử 12 bị cáo trong đường dây làm giả giấy phép lái xe. HĐXX tuyên phạt bị cáo Lưu Công Mạnh (SN 1993, ở Từ Liêm) mức án 6 năm tù; Lưu Công Long (SN 1991, ở Từ Liêm) 5 năm 6 tháng tù; Đỗ Văn Chính (SN 1993, ở Từ Liêm) 5 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo còn lại mức án từ 3 năm tù treo đến 4 năm tù giam về cùng tội danh.
Trước đó, khoảng tháng 5/2021, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an phát hiện ổ nhóm do Mạnh và Long cầm đầu đường dây sản xuất và mua bán giấy tờ, tài liệu giả với số lượng lớn, xảy ra tại nhiều địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước.
Quá trình điều tra xác định, năm 2018 Mạnh được đối tượng tên Tuấn thuê sản xuất giấy phép lái xe ô tô, mô tô giả. Sau đó, Mạnh nảy sinh ý định tự sản xuất giấy phép lái xe giả kiếm lời.
Bị cáo lên các trang mạng xã hội Facebook để tìm kiếm khách hàng có nhu cầu làm giả giấy phép lái xe mô tô, xe ô tô; giấy khám sức khỏe; văn bằng, chứng chỉ...
Khi khách hàng có nhu cầu đặt mua giấy tờ giả, các đối tượng thu thập thông tin cá nhân, sau đó dùng máy móc thiết bị để chỉnh sửa, in ấn tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Thông qua một công ty chuyển phát nhanh, các bị cáo chuyển giấy tờ, tài liệu giả cho khách hàng.
Với phương thức và thủ đoạn trên, đường dây sản xuất và mua bán giấy tờ, tài liệu giả này đã sản xuất, mua bán trót lọt một lượng lớn giấy tờ, tài liệu giả ra thị trường nhằm mục đích hưởng lợi.
CQĐT làm rõ, từ tháng 2/2021, nhóm Mạnh làm giả 1.056 giấy phép lái xe giả các loại và giấy tờ, tài liệu giả khác, thu lời 400 triệu đồng.
Từ tháng 3/2021, nhóm của Long làm giả 266 giấy phép lái xe, giấy tờ giả, thu lời 560 triệu đồng.
Căn cứ vào thông tin nhân thân thể hiện trên các giấy phép lái xe giả, giấy tờ giả, CQĐT đã ủy thác điều tra đến 62 CQĐT các tỉnh, thành phố đề nghị xác minh việc mua bán các giấy tờ, tài liệu giả trên.
Đến nay, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội nhận được kết quả của 203/768 trường hợp khách hàng đã gửi thông tin cá nhân hoặc trả chi phí cho các đối tượng để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô mà không cần thi sát hạch.
Trong số những trường hợp đã gửi thông tin để làm hồ sơ nêu trên có 54 trường hợp nhận được giấy phép lái xe giả, 14 tài liệu giả về kết quả sát hạch lái xe, 9 chứng chỉ sơ cấp nghề do các đối tượng làm giả gửi đến.
Những cá nhân này đều khai có được thông tin, bài viết quảng cáo về dịch vụ cấp giấy phép lái xe trên mạng xã hội Facebook với nội dung: không cần thi sát hạch, được áp dụng trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19; việc cấp giấy phép lái xe có hồ sơ gốc theo quy định.
Do vậy, các cá nhân này đã tin tưởng và gửi thông tin cá nhân, ảnh chân dung cho các bị cáo để được cấp giấy phép lái xe trực tuyến. Họ không biết những đối tượng trên đã làm giả giấy phép lái xe, tài liệu về kết quả sát hạch lái xe, chứng chỉ sơ cấp nghề.
Sau khi được CQĐT thông báo, các cá nhân đã tự nguyện giao nộp lại 54 giấy phép lái xe giả, 14 tài liệu giả về kết quả sát hạch lái xe, 9 chứng chỉ sơ cấp nghề giả.
Các cá nhân này không bàn bạc, không được hưởng lợi với những đối tượng làm giả nên công an xác định họ không đồng phạm với Mạnh và Long.
CQĐT đã có văn bản kiến nghị đối với 46 Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp trên.