Thẩm tra công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, số lượng vụ việc dân sự thụ lý tăng cao so với nhiệm kỳ trước (tăng 38,23%) và tính chất ngày càng phức tạp, song Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

{keywords}
Chưa phát hiện trường hợp kết án oan trong nhiệm kỳ

Tỷ lệ giải quyết án đạt 97,3%, vượt 19,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Đã cơ bản khắc phục được việc để án quá thời hạn do nguyên nhân chủ quan, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định, đến ngày 30/9/2020, chỉ còn 56 vụ án để quá thời hạn. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm.

Giảm mạnh các bản án tuyên không rõ, khó thi hành (năm 2020 giảm 56,4% so với năm 2019). Cơ bản làm tốt công tác hòa giải, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân và xã hội, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đều đạt trên 50% tổng số các vụ việc đã giải quyết (hoà giải thành khoảng 200 nghìn vụ mỗi năm).

Tòa án nhân dân tối cao đã có các chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các tòa án tập trung làm tốt công tác hướng dẫn đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu vụ án và chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo đảm tiến độ giải quyết án. Đã tổ chức hàng nghìn phiên tòa rút kinh nghiệm và giao chỉ tiêu tới từng thẩm phán, qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Về công tác xét xử các vụ án hình sự, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, tòa án nhân dân các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Đã cơ bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn.

Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định.

Hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm.

Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng 1.145 vụ/2.600 bị cáo, chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện kiểm sát nhân dân chấp nhận đạt cao, trong đó, nhiều trường hợp trả hồ sơ do phát hiện giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Qua xét xử, tòa án nhân dân các cấp đã ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội và được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra tại Quốc hội

Đối với công tác thi hành án hình sự, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá trong nhiệm kỳ, các tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đạt tỷ lệ gần 100%, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 407.500 phạm nhân do cải tạo tốt. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo, hướng dẫn các tòa án nhân dân thực hiện nghiêm các quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá.

Đối với công tác xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, tòa án nhân dân các cấp đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 33.807 trường hợp với tổng số tiền trên 339 tỷ đồng. Ủy ban Tư pháp nêu rõ các quyết định xét miễn, giảm của tòa án nhân dân đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của hệ thống tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ nhiều thành tựu nổi bật, trong đó đáng chú ý là kết quả công khai bản án trên cổng thông tin điện tử. Việc công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử được các tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đến nay đã dần đi vào nề nếp với chất lượng các bản án ngày càng tốt hơn.

Đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định trên Internet. Thu hút sự quan tâm của nhân dân với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 22 triệu lượt người và hàng chục triệu ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Qua đó, đề cao trách nhiệm của thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động tư pháp.

Về kết quả đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn thành lập bộ phận hành chính tư pháp tại các tòa án; đổi mới quy trình, thủ tục xử lý công việc của bộ phận hành chính tư pháp, đảm bảo đơn giản hóa các bước, thủ tục; triển khai “mô hình hành chính tư pháp một cửa” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận tư pháp; xây dựng các phần mềm ứng dụng trong phân công giải quyết án; phần mềm theo dõi quản lý án...

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong nhiệm kỳ tòa án đã tăng cường và gắn kết công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với xây dựng ngành. Trên cơ sở đó đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp; xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống. Đã ban hành và tổ chức thực hiện “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”, “Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân” và “Chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các Tòa án nhân dân”. Đưa giáo trình về đạo đức thẩm phán vào giảng dạy tại Học viện Tòa án.

Về nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ đội ngũ cán bộ tòa án các cấp tiếp tục được sắp xếp tinh gọn.

Tòa án các cấp đã tinh giản đủ 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương. Hoàn thành đề án vị trí việc làm và đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân. Đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tòa án đã tổ chức thành công các kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán, chuyên viên, chuyên viên chính. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ được thực hiện có hiệu quả. Hoạt động giám sát đối với thẩm phán được tăng cường.

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tiến hành thường xuyên. Trong nhiệm kỳ đã thành lập 68 đoàn kiểm tra tiến hành công tác kiểm tra xét xử tại các tòa án nhân dân cấp cao, 95 lượt tòa án nhân dân cấp tỉnh và 220 lượt tòa án nhân dân cấp huyện để phát hiện, xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các tòa án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hệ thống tòa án đã chủ động giới thiệu nhân sự cấp ủy có chất lượng cho Đại hội Đảng các cấp. Cụ thể, đã chủ động bố trí, kiện toàn lãnh đạo tòa án các cấp trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp theo đúng Chỉ thị 35 CT/TW của Bộ Chính trị. Giới thiệu nhiều thẩm phán ưu tú tham gia cấp ủy.

Kết quả tại Đại hội Đảng các cấp đã giới thiệu và được Đại hội Đảng các cấp tín nhiệm bầu gần 700 thẩm phán tham gia cấp ủy, đạt tỷ lệ trên 97%. Đây là tỷ lệ tham gia cấp ủy cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ. Qua đó khẳng định vị thế và tín nhiệm của tòa án với Đảng và Nhân dân.

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật"

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật"

Nhiều ĐBQH nhấn mạnh đến sự liêm chính, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. 

PV