Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: trong thời gian qua, Ủy ban đặc biệt chú trọng đến công tác ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. |
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo số hóa quản lý điều hành và xây dựng trục liên thông văn bản điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử của Ủy ban.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: Thời gian qua, Ủy ban đặc biệt chú trọng đến công tác ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; đã triển khai các phân hệ ứng dụng phục vụ quản trị nội bộ và hoạt động nghiệp vụ; các phần mềm về Bộ chỉ số và Cổng Thông tin điện tử đã thể hiện rõ sự kết nối, tương tác giữa Ủy ban với doanh nghiệp và người dân, giữa Ủy ban với công chức, viên chức và người lao động, tuân thủ yêu cầu Kiến trúc Chính phủ điện tử 1.0.
Hội thảo này là diễn đàn để Ủy ban và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi về một bước đi quan trọng sắp tới, đó là xây dựng trục liên thông văn bản điện tử giữa Ủy ban và doanh nghiệp, tiến tới tích hợp dữ liệu và số hóa các hoạt động quản lý điều hành của Ủy ban với doanh nghiệp, theo đúng yêu cầu, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tầm vai trò của sự đồng hành của doanh nghiệp và Chính phủ trong quá trình số hóa quản lý hành chính và xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia; đồng thời, chỉ ra khó khăn trong triển khai công tác này.
“Khi triển khai thành công chuyển đổi số trong quản lý hành chính thì cả Chính phủ và khối doanh nghiệp sẽ cùng nhau đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý vốn nhà nước. Đi kèm với đó là mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin, tăng tính minh bạch. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị trong quá trình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia”, bà Đỗ Thái Hà nhấn mạnh.
Trình bày tham luận về định hướng ứng dụng CNTT của Ủy ban, ông Trần Công Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Thông tin cho biết: Ủy ban định hướng xây dựng hệ thống CNTT theo mô hình Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu thông tin giám sát và quản lý vốn nhà nước. Với những mục tiêu quan trọng như liên thông với Chính phủ và các bộ ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu từ đó giám sát, đánh giá doanh nghiệp, hay quản trị nội bộ chuyên ngành, hiện Ủy ban đã áp dụng mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, kết nối với doanh nghiệp thông qua hệ thống Văn bản điện tử, Phần mềm Bộ chỉ số, Hội nghị trực tuyến và Cổng thông tin điện tử.
Trung tâm Thông tin đã thực hiện khảo sát 19 doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban về các vấn đề liên quan tới xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử của Ủy ban. Theo đó, hiện nay do mỗi doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ khác nhau nên rất cần thiết phải xây dựng trục tích hợp dữ liệu để đảm bảo sự đồng bộ chia sẻ thông tin, báo cáo phục vụ công việc. Các doanh nghiệp sẽ liên thông qua trục với Ủy ban để kết nối các Bộ, ngành, địa phương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần khẩn trương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Phần mềm quản lý văn bản, đáp ứng yêu cầu chuẩn dữ liệu theo quy định.
“Nếu xây dựng thành công mô hình Chính phủ điện tử, cả Ủy ban và doanh nghiệp sẽ cùng đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị; đổi mới công nghệ, tiết kiệm và gia tăng lợi nhuận; kết nối chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ trong Ủy ban cùng cần tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và triển khai với các doanh nghiệp khác”, ông Trần Công Hòa nhấn mạnh.
Thảo luận tại Hội thảo này, nhiều đại biểu đã chia sẻ những thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý hành chính. Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, là doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số, VNPT đang triển khai Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia được kết nối, liên thông với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam; nâng cao năng suất đội ngũ cán bộ, tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động; giúp kết nối và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
VNPT đang cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của Ủy ban với 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc với nhau và có thể kết nối vào Trục liên thông Văn bản quốc gia. Theo đó, Ủy ban hoạt động như một trung tâm kết nối cho 19 doanh nghiệp nhà nước để có thể gửi nhận dữ liệu với Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương.
Cũng tại hội thảo này, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, các hãng hàng không trên thế giới đã có quá trình phát triển vượt bậc trong quản lý số. Đây là xu thế bắt buộc trong ngành hàng không toàn cầu, trước những sự tiến bộ không ngừng các nền tảng số, thu hút khách hàng với những công nghệ mới. Vietnam Airlines đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở chuyển đổi số. Mục tiêu của Vietnam Airlines đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong năm 2020, tiến tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số. Những tiện ích đem lại trong quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phân tích thị trường, mạng đường bay và báo cáo thương mại.
Chia sẻ về quá trình và kinh nghiệm triển khai hệ thống văn phòng điện tử và chữ ký số tại EVN, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và CNTT cho biết: Ngay từ những năm 2000, EVN đã đặt mục tiêu quản lý văn bản thông qua hệ thống điện tử, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng văn phòng điện tử sau này. Sau gần 20 năm thực hiện, EVN đã xây dựng và phát triển phần mềm văn phòng điện tử qua 3 phiên bản với 100% đơn vị trong hệ thống sử dụng, chu trình xử lý văn bản đã khép kín, không lưu hành văn bản giấy trong Hội đồng thành viên. Văn bản giấy đến tập đoàn đều được số hóa, ở chiều ngược lại, văn bản đi được số hóa 90%.
Cũng tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra đề xuất quá trình số hóa quản lý hành chính và xây dựng Trục liên thông văn bản cần đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, có như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà yêu cầu Trung tâm Thông tin cần tính toán kỹ lưỡng cách thức thực hiện liên quan tới đối tượng cần liên thông, những nội dung, phạm vi liên thông khi xây dựng Trục liên thông văn bản. Ủy ban sẽ tiếp tục mời những tổ chức, chuyên gia công nghệ để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ thêm về vấn đề này.