Tại Hội nghị trực tuyến ngành kế hoạch và đầu tư ngày 9/1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những mặt mạnh, và nêu rõ các mặt hạn chế của ngành "tham mưu tổng hợp" này mà đứng đầu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng cho rằng khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 là thực tế, không phải viển vông. Thủ tướng khẳng định, không ai khác hơn mà chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, giải các bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước. Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Ủy ban Cải cách và Đổi mới hoặc Bộ Kinh tế chiến lược và Phát triển.
Đây là lần thứ hai, Thủ tướng gợi ý đổi tên cơ quan chính phủ sau khi đã gợi ý đổi tên Bộ thông tin Truyền thông thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây không phải là lần đầu tiên bộ này được đặt ra vấn đề phải đổi tên so với tên khai sinh là Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (năm 1945), rồi Ban Kinh tế chính phủ (năm 1950), Ủy ban kế hoạch quốc gia (năm 1955), Ủy ban kế hoạch nhà nước (năm 1961), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 1995).
Để có một Bộ Kế hoạch và Đầu tư như hiện nay, thì Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã lần lượt được sáp nhập hoặc hợp nhất với hàng loạt tổ chức cấp bộ và tổng cục như: Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuy là một tổ chức quản lý ngành nhưng phải thực hiện tới 22 nhiệm vụ thường xuyên (không kể các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng giao) như: tham gia lập pháp, thực hiện lập qui, cung cấp dịch vụ công, tiến hành các quản lý cấp bộ, tổ chức xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội…Bộ đã được Đảng, Nhà nước, các thế hệ Thủ tướng khen thưởng về việc hoàn thành nhiều nhiệm vụ trên đây.
Ủy ban Cải cách và Đổi mới: phải thiết kế được một Việt Nam hùng cường |
Nhưng bước sang năm 2020, Thủ tướng đã có đặt hàng mới với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là việc biến khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng thành hiện thực. Chính phủ cần có một thành viên làm tổng tham mưu về việc này. Tổ chức đó không phải là ai khác mà chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với một tên mới. Vậy là bộ này lại một lần nữa đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi tên và theo đó là phải đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, và cơ cấu tổ chức so với hiện nay và lâu nay. Đây là một loại công việc không hề dễ dàng từ những trải nghiệm của những lần đổi tên đã qua.
Trước hết, đó là việc tuân thủ Hiến pháp, mà cụ thể nhất là các qui định về Chính phủ và Thành viên chính phủ, trong đó Chính phủ được hiến định là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, còn bộ là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực (trong luật, được nhấn là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực). Như vậy, bộ làm quản lý đối với ngành trong khi Chính phủ làm hành chính đối với cả nước. Giữa quản lý và hành chính tuy có điểm chung nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Trên nóng dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe, bộ vượt quyền, lạm quyền, bỏ quyền… là do sự không đồng nhất này.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu vẫn là cơ quan quản lý ngành, tức quản lý lĩnh vực kế hoạch và đầu tư với 22 nhiệm vụ như hiện nay, thì còn đâu nguồn lực để thực hiện đặt hàng mới của Thủ tướng. Vấn đề đặt ra không chỉ là phải lược bỏ nhiều nhiệm vụ đang làm, mà quan trọng hơn là phải bổ sung vào đó những nhiệm vụ phù hợp với vai trò, vị trí một thành viên của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, trong đó có việc mà Thủ tướng vừa đặt ra trên đây.
Thứ hai, việc quản lý ngành của các bộ đã có những diễn biến khó lường, gây ra nhiều hệ lụy kéo dài. Đáng kể nhất đó là biến các bộ thành những cơ quan cấp trên, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước rồi lan sang cả các loại doanh nghiệp khác. Biến diễn này đã kéo các bộ vào công việc điều hành sự vụ ở tầm vi mô, buông lỏng điều hành ở tầm vĩ mô trên cương vị là những thành viên của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuy không làm cấp trên của bất kỳ doanh nghiệp nào nhưng lại làm tổng tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng làm cấp trên của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng đã có nghị quyết về xóa bỏ chế độ bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản đối với doanh nghiệp, nhưng tới nay thực hiện vẫn chưa xong. Đặt hàng mới của Thủ tướng là dịp để Bộ kế hoạch và Đầu tư trút bỏ những điều hành vi mô lâu nay của mình, dành nguồn lực cho những công việc vĩ mô như kiến tạo sự hùng cường, thịnh vượng cho đất nước.
Thứ ba, từ quản lý ngành, các bộ đã ngày càng đảm nhiệm cơ quan "Đại diện chủ sở hữu" đối với những tài sản mà pháp luật qui định là thuộc sở hữu toàn dân. Thể chế về "Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu" trên đây lần đầu tiên được xác lập tại Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các bộ thực hiện hiến định đó lại chỉ với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý ngành.
Giữa cơ quan "quản lý ngành" với cơ quan "đại diện chủ sở hữu" tuy có điểm chung nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Với xu hướng ngày càng mở rộng qui mô và cấu trúc của hệ thống tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong thời kỳ Đổi Mới, việc quản lý ngành của Bộ đã có một ngã rẽ mới để làm đại diện chủ sở hữu toàn dân.
Ngã rẽ này đã mở ra thời kỳ "đổi đất lấy hạ tầng", "cấp đất", "qui định giá đất", "đấu giá đất", "cho thuê đất", "mua bán quyền sử dụng đất" nói riêng và các loại tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân nói chung. Nhiệm vụ kép này chẳng khác gì "vừa đá bóng vừa thổi còi", đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy. Đây là thời kỳ xuất hiện đột biến "cán bộ nhúng chàm" từ cán bộ cấp chiến lược, cấp chiến thuật, tới cấp thừa hành tại không ít các bộ như giao thông vận tải, công thương, tài nguyên môi trường, xây dựng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không là ngoại lệ trong cuộc "vừa đá bóng vừa thổi còi" này với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ.
Với đặt hàng mới của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng trước cơ hội đồng thời là thách thức để đổi mới toàn diện về Bộ. Việc đổi mới này, Bộ đã ấp ủ, đã "lấy đá ghè chân mình", và đã thực hiện đôi ba phần ngay từ khi Đảng đề ra chủ trương xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN đến nay.
Việc đổi mới theo đặt hàng của Thủ tướng không hề dễ dàng bởi phải tuân thủ Hiến pháp hiện hành, phải thực hiện những nhiệm vụ đang được qui định tại hệ thống luật về quản lý ngành, phải gồng mình thực hiện những chức năng, những ngã rẽ chưa đoán định trước.
Tuy nhiên, vừa là khát vọng, vừa là mục tiêu về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng mà Thủ tướng đặt ra không thể không có một cơ quan thành viên chính phủ đứng ra đảm nhiệm vai trò của một tổng tham mưu, một nhà tổ chức, một nhà toán học để kiến tạo ở tầm vĩ mô những gì cần làm, phải làm và làm được trong giai đoạn mới.
Cơ quan thành viên đó, như Thủ tướng đã khẳng định, không ai khác, chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù phải đổi tên, phải từ bỏ những danh xưng đã vang bóng một thời là "Kế hoạch", và "Đầu tư".
TS. Đinh Đức Sinh