Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị từng khẳng định, điều đáng ghi nhận trong chương trình phát triển kinh tế biển là tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 để ban hành các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025); Chương trình hành động số 28-CT/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 56/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai Đề án hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển tỉnh đến năm 2030 đều xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia. 

Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh Nam Định thời gian qua đều xác định rõ các nhiệm vụ phải thực hiện; trong đó “tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm và phát triển các ngành kinh tế biển” là những nhóm nhiệm vụ được ưu tiên. Việc phát triển kết cấu hạ tầng không chỉ định hình rõ nét vùng kinh tế biển mà còn tạo nền tảng thuận lợi để thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế biển.

Vì vậy, tỉnh ưu tiên đầu tư 3 nhóm công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm gồm: xây dựng không gian phát triển kinh tế biển của tỉnh, hạ tầng giao thông; hệ thống đê điều, thủy lợi đảm bảo chống chịu thiên tai, thoát lũ, phòng chống biển xâm thực, xói lở bờ biển. Nhiệm vụ phát triển các ngành kinh tế biển được chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm: du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển.

Các địa phương ven biển chú trọng hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và bà con nông dân, ngư dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là công tác khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển.

Đến nay, kinh tế ven biển của tỉnh Nam Định bước đầu tận dụng được nguồn tài nguyên biển và đã phát triển khá đa dạng các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành, các địa phương ven biển đã chú trọng hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và bà con nông dân, ngư dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chú trọng hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết từ nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy hải sản đến chế biến, tiêu thụ với các sản phẩm đạt chất lượng tốt và hình thành thương hiệu riêng cho sản phẩm. 

Nhờ đó, đến nay vùng đồng bằng và bãi bồi ven biển với đất đai có độ phì nhiêu cao của cả 3 huyện ven biển đã được các doanh nghiệp, nông dân tích cực khai thác, xây dựng các cánh đồng lớn, sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. 

Trong chăn nuôi cũng có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín; việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn sinh học... nhằm nâng cao thương hiệu cho các sản phẩm đầu ra của chăn nuôi.

Cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng; chuyển đổi từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao theo tiêu chuẩn VietGAP với các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao như tôm, ngao.

Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.955 ha; sản lượng nuôi trồng đạt 121,131 nghìn tấn. Đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó có 500 ha nuôi ngao của Nam Định đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới.

Tàu thuyền khai thác thủy sản biển được cơ cấu lại theo hướng tăng số tàu có công suất lớn. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Ở cả 3 huyện có biển đều tích cực hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến, phát triển các ngành nghề công nghiệp thế mạnh của địa phương, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm gắn với nuôi trồng, khai thác thủy sản; công nghiệp dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu thủy, sản xuất thiết bị điện, máy thủy.

Tính riêng ngành chế biến thủy, hải sản có 10 doanh nghiệp quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở hoạt động rộng khắp, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu khai thác, nuôi thủy, hải sản hiện tại của tỉnh. Đặc biệt, đã thu hút các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có năng lực và nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị để tăng năng lực sản xuất, mở rộng cơ cấu mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Tiêu biểu là Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu ở Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) với dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản; công suất thiết kế lên tới 300 tấn ngao/ngày. Công ty đã tổ chức liên kết sản xuất với các hộ nuôi ngao trong tỉnh để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng.

Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương ở xã Giao Hải (Giao Thủy) đã liên kết với các đội thuyền địa phương để chủ động được nguyên liệu đầu vào. Hàng năm, sản xuất được từ 20 đến 22 tấn cá mai khô, chế biến khoảng trên 1.000 tấn sứa, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu…

Đặc biệt, các ngành, các huyện ven biển đã tập trung thu hút các dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Giai đoạn 2018 - 2021, khu vực ven biển của tỉnh đã thu hút được 75 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó, có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn) với tổng vốn đăng ký khoảng 101.823 tỷ đồng và 339 triệu USD. 

Ngoài ra, các huyện ven biển cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ xã Hải Lý…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quy mô kinh tế vùng ven biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cơ cấu kinh tế vùng ven biển của tỉnh tuy có thay đổi nhưng còn chậm, các hoạt động kinh tế ven biển có hiệu suất kinh tế cao vẫn chưa được phát triển như mong muốn. Các ngành kinh tế biển vẫn chủ yếu là ngành nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển mạnh; tỷ trọng các ngành nông nghiệp có giá trị sản xuất cao vẫn còn thấp trong GRDP của tỉnh. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nhiều ngành nghề kinh tế biển chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế vào phát triển bển vững kinh tế ven biển, tỉnh  Nam Định đang hoàn thành hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng lộ trình đầu tư, mở rộng, nâng cấp cảng chuyên dùng Xuân Thiện, cảng Hải Thịnh, cảng cá Ninh Cơ để tăng khả năng tiếp nhận, thu hút các tàu có trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới vận chuyển hàng hóa qua cảng.

Tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển trong và ngoài nước để thu hút nguồn hàng thông qua cảng biển của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế có liên quan đến biển; chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động vùng biển, lao động trên biển…

Hạ Nhiên