- Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, những dịch vụ công trực tuyến được lựa chọn để cung cấp ở mức độ 3 trong năm 2016 theo Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử (CPĐT) phải là những dịch vụ mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao, mang tính cấp thiết, góp phần giảm bớt thủ tục giấy tờ, thời gian, công sức cho xã hội.

{keywords}

Chiều nay, 22/10, Bộ TT&TT đã họp phiên đầu tiên để triển khai Nghị quyết 36a. Được ký ban hành ngày 14/10 vừa qua, Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về CPĐT kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy cải cách hành chính, năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Theo Nghị quyết này, Bộ TT&TT có 9 nhiệm vụ, trong đó Trung tâm Thông tin được giao làm đầu mối của Bộ. Theo dự thảo phân công nhiệm vụ, Vụ CNTT sẽ là đơn vị chủ trì chỉ đạo các DN CNTT tham gia xây dựng, vận hành hệ thống phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, các DN lớn, nhất là các DN nhà nước sẽ là lực lượng nòng cốt, cùng với sự hỗ trợ từ các DN CNTT vừa và nhỏ.

Riêng đối với Bộ TT&TT, một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 sẽ phải được cung cấp ngay trong năm 2016 như cấp thẻ nhà báo, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo qua mạng điện tử và một số giấy phép của Cục Xuất bản.

Liên quan đến công tác cấp thẻ nhà báo, đại diện Cục Báo chí cho biết Cục đã chủ trì Đề án cấp thẻ nhà báo 2016 – 2020 và sẽ sớm được Bộ TT&TT ban hành. Phần mềm triển khai cấp thẻ, website của Cục cũng đã hoàn thành xong. Dự kiến, phần mềm sẽ được tích hợp trên website của Cục Báo chí trong Quý I/2016. Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng việc cấp thẻ nhà báo cũng phải được tích hợp thẳng vào website của Bộ.

Đồng thời Thứ trưởng đề nghị các Cục An toàn thông tin, Cục Tin học hóa nhanh chóng các dịch vụ công trực tuyến sẽ cung cấp ở cấp độ 3 trong năm 2016, ưu tiên lựa chọn những dịch vụ liên quan nhiều đến người dân.

Trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT sẽ thành lập 2 nhóm công tác chỉ đạo phát triển Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành, địa phương. Nhóm công tác số 1 sẽ tập trung vào dịch vụ công trực tuyến. Nhóm số 2 tập trung vào chính sách, trong đó vai trò của Bộ TT&TT liên quan đến mảng pháp lý và tài chính. Nguồn kinh phí để phát triển chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a sẽ lấy chủ yếu từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Về vai trò của Cục Bưu điện Trung ương, Thứ trưởng khẳng định mạng chuyên dùng của đơn vị này chính là cốt lõi để phát triển CPĐT. Bộ TT&TT sẽ sử dụng toàn bộ hạ tầng truyền dẫn của Cục Bưu điện Trung ương, trong đó cần đặc biệt coi trọng vấn đề an toàn thông tin.

Hiện tại, mạng số liệu chuyên dùng đang được chia thành hai cấp: Từ trung ương về các tỉnh thành và từ tỉnh thành về các huyện xã. Tính đến thời điểm này, 47/60 tỉnh có lưu lượng sử dụng mạng chuyên dùng dưới 60%, chỉ có 2 tỉnh có lưu lượng sử dụng trên 80%. Thời gian qua, nhiều tỉnh phàn nàn về chất lượng kết nối của mạng chuyên dùng từ tỉnh thành xuống đến huyện xã chậm, nguyên do là vì mạng chuyên dùng đã bị sử dụng dịch vụ kết nối Internet quá nhiều, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục BĐTƯ cho biết. Chính vì thế, cần phải sớm ban hành quy định về chất lượng của mạng chuyên dùng khi sử dụng để kết nối dịch vụ Internet và cũng cần quy định phải dành băng thông cho dịch vụ chuyên dùng như dịch vụ liên thông văn bản, truyền hình hội nghị...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo các cục, vụ chức năng thuộc Bộ cần phải gửi ý kiến chính thức về công việc được phân công bằng văn bản về Trung tâm Thông tin. Trung tâm Thông tin nhanh chóng làm việc trực tiếp với Cục Bưu điện Trung ương để tìm giải pháp cho toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn của Bộ sử dụng mạng chuyên dùng của Cục. "Tinh thần là phải làm quyết liệt, hết sức mình để triển khai Nghị quyết", Thứ trưởng yêu cầu.

T.C