Dân tộc thiểu số ở Việt Nam có quy mô khoảng hơn 13 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước, hiện tại đang có cơ cấu dân số trẻ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi trung bình mỗi năm giảm 3 - 4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, đến nay để phát huy hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội vẫn còn tồn tại những hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhất là trong công tác quản lý dân cư, người dân cư trú phân tán và xen kẽ nhau; trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mỗi dân tộc có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng; đất đai và rừng là nguồn sinh kế chủ yếu nhưng do nằm trên địa hình dốc, tỷ lệ diện tích đất tốt, màu mỡ để canh tác thấp, thường xuyên bị thiếu nước, xói mòn, sạt lở... cho nên hiệu quả sử dụng đất không cao (nhiều hộ dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất sản xuất).
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản...
Mặc dù đã có nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ thiết yếu. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, bà con dân tộc thiểu số bị hạn chế về vốn xã hội do rào cản về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận thông tin, định kiến của cộng đồng, sự mặc cảm, tự ti và một số hủ tục...
Để bảo đảm chính sách an sinh xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cần chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất "cho không", sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Trong đó, cần ưu tiên theo các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số , giảm nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững.
Các chính sách cần chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vừa qua mới tính đến việc hỗ trợ ngắn hạn mà chưa tính đến những hỗ trợ dài hạn bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Tăng cường sự tham gia của người dân vùng đặc biệt khó khăn trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát chính sách. Cần coi người dân như là một đối tác trong công tác dân tộc và an sinh xã hội, lao động, việc làm bền vững trong vùng dân tộc thiểu số.
Các biện pháp hỗ trợ an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số cần tính toán rõ sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp đặc điểm của dân tộc thiểu số, chưa phù hợp trình độ dân trí và đặc điểm phong tục, tập quán vùng, miền dân tộc thiểu số. Từ đó, bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong quá trình thực hiện.