Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là vùng cao nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng; có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Những hành lang kinh tế dọc theo các trục quốc lộ của Campuchia, Lào nối với các quốc lộ của Việt Nam đã tạo thành mạng lưới đường bộ và cảng biển kết nối, tạo thuận lợi liên kết phát triển kinh tế - xã hội trong Khu vực.
Hiện nay, Khu vực Tam giác phát triển CLV nằm trên địa bàn 13 tỉnh, diện tích tự nhiên 143,9 nghìn km2, với nhiều dân tộc sinh sống. Trong đó, Việt Nam có 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước; Lào có 4 tỉnh: Sekong, Attapeu, Saravan, Champasak; Campuchia có 4 tỉnh: Stung Treng, Rattanakkiri, Mondulkiri, Kratie.
Vùng các tỉnh thuộc Tây Nguyên của Việt Nam bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước với diện tích tự nhiên 51.520 km2, dân số năm 2011 là 4.663 nghìn người, mật độ dân số 90 người/km2 .
Vùng các tỉnh Đông bắc của Campuchia bao gồm tỉnh Mondulkiri, tỉnh Ratanakiri, tỉnh Stung Treng và tỉnh Kratié với diện tích tự nhiên khoảng 48.743 km2. Dân số năm 2008 là 684 nghìn người, mật độ dân số 14 người/km2.
Vùng các tỉnh Nam Lào bao gồm tỉnh Attapu, tỉnh Salavan, tỉnh Sekong và Champasak với diện tích tự nhiên khoảng 44.091 km2, dân số năm 2008 là 1.198 nghìn người, mật độ dân số gần 27 người/km2.
Sau 25 năm kể từ khi thiết lập khu vực Tam giác phát triển, ba nước CLV đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, đã và đang góp phần xây dựng khu vực Tam giác phát triển CLV không chỉ trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối với khu vực mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức và người dân của ba nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực gồm giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.
Theo các nhà quan sát, bên cạnh những kết quả của khu vực đã đạt được trong thời gian qua, phải thẳng thắn thừa nhận thực tế rằng những kết quả này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.
Để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển CLV cho các năm tiếp theo, đòi hỏi ba nước cần phải có những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Ba nước CLV cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, các trung tâm thương mại; Cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực khu vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch...
Bên cạnh đó, ba nước cũng cần tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác thuộc các lĩnh vực, cụ thể. Cần tiếp tục phổ biến và xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của khu vực Tam giác phát triển CLV, bao gồm cả các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước; Tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Tam giác phát triển CLV để khuyến khích thương mại-đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới.
Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng... góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại…; Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, công nghiệp khai thác, chế biến được triển khai trong khu vực; Triển khai nhanh, hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác.
Nhóm PV