Khoảng thời gian này trắc trở với các hình thức đầu tư nhưng lại tuyệt vời với đồng USD.
Bạn có thể không nhận ra tác động nếu không đi du lịch nước ngoài hay đổi USD lấy euro, yên Nhật hay gần như là mọi đồng tiền lớn khác. Nhưng với nhiều nhà giao dịch tiền tệ, các giám đốc điều hành công ty trong S&P 500 và kinh tế gia, mọi thứ khá rõ ràng.
Chỉ số USD - đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn khác - đang ở mức cao chưa từng thấy trong 20 năm. Kể từ đầu năm, chỉ số này tăng 8% và tăng 14% trong 12 tháng qua. So với yên, USD tăng giá hơn 13% chỉ trong năm nay.
Fed gần đây thắt chặt chính sách tiền tệ càng thúc đẩy đồng USD tăng giá hơn nữa. Ngày 4/5, Ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định tăng lãi suất 0,5% và bắt đầu giảm lượng trái phiếu nắm giữ trong bảng cân đối 9.000 tỷ USD từ tháng 6.
Fed khả năng cao còn tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Trong khi lãi suất tăng sẽ khiến thị trường cổ phiếu, trái phiếu và lãi suất thế chấp biến động hơn, USD khả năng cao "tỏa sáng" hơn nữa.
Về cơ bản, dòng vốn ngoại rót vào các doanh nghiệp và đầu tư tại Mỹ đang thúc đẩy giá trị của đồng USD.
Trên thực tế, những diễn biến gây bất ổn cho thị trường chứng khoán Mỹ cũng giúp đồng bạc xanh tăng giá so với các đồng tiền khác. Những diễn biến này bao gồm Fed tăng lãi suất, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, phương Tây trừng phạt Nga, giá hàng hóa toàn cầu tăng, Trung Quốc phong tỏa vì dịch Covid-19 và kinh tế châu Âu, Nhật Bản giảm tốc.
Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới suy yếu, bất ổn địa chính trị, nhu cầu mua tài sản tương đối an toàn trên thế giới tăng và đẩy lợi suất các tài sản như trái phiếu chính phủ tăng. Kinh tế Mỹ có thể đang ở vị thế bấp bênh nhưng so với các quốc gia khác, nước này đã phục hồi tốt từ suy thoái đại dịch. Các thị trường tại Mỹ tiếp tục có chiều sâu và tương đối ổn định và lãi suất trên trái phiếu chính phủ Mỹ đang "hào phóng".
Fed cam kết tăng lãi suất để ứng phó lạm phát có thể khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng hơn nữa. Điều đó khiến loại tài sản này hấp dẫn hơn nữa nếu so với trái phiếu chính phủ lợi suất thấp tại Đức, Nhật Bản và Trung Quốc - các quốc gia đang nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chênh lệch lợi suất vốn đang rộng. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ, Đức và Nhật Bản hiện khoảng 3,1%, 1,1% và chưa đến 0,25%.
Thậm chí lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc - thường cao hơn so với của Mỹ - gần đây cũng xuống thấp hơn.
"Hai năm toàn cầu cùng nới lỏng chính sách phần nào đã nhường đường cho sự phân hóa giữa các ngân hàng trung ương, làm gia tăng biến động trên thị trường tiền tệ" và đẩy giá USD, Morgan Stanley Wealth Management cho biết trong khuyến nghị gửi khách hàng hôm 2/5.
Tác động kinh tế
USD tăng giá có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, USD tăng giá góp phần khiến thâm hụt thương mại của Mỹ - lập đỉnh mới trong tháng 3 - tăng cao hơn nữa. Nội tệ tăng giá sẽ khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn và xuất khẩu đắt hơn, khiến quốc gia đó giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Chiều ngược lại, áp lực lạm phát tại Mỹ sẽ phần nào giảm bớt.
"Mỹ là một quốc gia người tiêu dùng, và hơn nửa lượng hàng người dân Mỹ sử dụng mỗi năm là từ nước ngoài", David Rosenberg, kinh tế gia trưởng tại công ty của ông - Rosenberg Research, Toronto, Canada, nói.
"Khi USD tăng giá, chi phí hàng nhập khẩu giảm. Sự suy giảm này sẽ thể hiện qua Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chúng ta vẫn chưa nhìn thấy toàn bộ tác động đó".
Lisa Shalett, giám đốc đầu tư (CIO) tại Morgan Stanley Wealth Management, nói USD tăng giá giúp giảm thiểu một phần ảnh hưởng của lạm phát tại Mỹ do giá hàng hóa tăng như dầu - định giá bằng USD.
"Thật bất thường khi USD tăng giá cùng lúc giá hàng hóa tăng", chủ yếu vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, bà cho biết.
Nhưng nếu Fed xác định nền kinh tế quá yếu để chịu các đợt tăng lãi suất và "bỏ chân khỏi phanh, không siết chính sách tiền tệ nhanh như mọi người nghĩ, USD sẽ suy yếu và chúng ta vẫn sẽ chứng kiến lạm phát giá hàng hóa cao, chúng ta có thể mắc kẹt trong cái gọi là lạm phát đình đốn thực sự".
Rosenberg nói bằng cách tăng mạnh lãi suất khi USD đang giúp kéo lùi lạm phát, Fed có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/5 rằng lạm phát đang quá cao để cơ quan này chùn bước.
"Tôi nghĩ chúng ta có cơ hội tốt để khôi phục ổn định giá cả mà không gây ra suy thoái", ông Powell phát biểu.
Trở ngại cho các công ty
USD tăng khiến hoạt động của nhiều công ty toàn cầu khó khăn hơn. Ngoài gián đoạn nguồn cung và lạm phát, họ còn lo ngại về các ảnh hưởng từ việc USD tăng giá đến lợi nhuận. Phố Wall đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I và chủ đề này đã xuất hiện nhiều lần.
USD đang ảnh hưởng đến doanh thu của Apple quý II. Luca Maestri - Giám đốc tài chính Apple - nói với các nhà phân tích: "Về khía cạnh ngoại hối, chúng tôi dự đoán tăng trưởng hàng năm của chúng tôi sẽ đối mặt trở ngại lên tới 300 điểm cơ bản", nghĩa là có thể suy giảm 3 điểm phần trăm.
Chung cảnh ngộ, Andre Schulten, Giám đốc tài chính Procter & Gamble, cho biết họ "ghi nhận áp lực giá tăng thêm một bậc và tỷ giá ngoại hối đang ngày càng bất lợi". Thiệt hại từ việc USD tăng giá có thể "là lợi nhuận sau thuế giảm 300 triệu USD trong năm tài chính hiện tại".
Thị trường chứng khoán đi xuống
Những thiệt hại trên thị trường ngoại hối lan dần sang thị trường chứng khoán.
Một nghiên cứu năm 2018 của S&P Dow Jones Indices cho thấy các công ty trong S&P 500 ít phụ thuộc vào doanh thu từ nước ngoài thường hoạt động tốt hơn khi USD mạnh lên. Xu hướng này có vẻ đang diễn ra.
S&P 500 US Revenue Exposure - một chỉ số phụ trong S&P 500 - với các công ty thành phần tập trung thị trường Mỹ như Berkshire Hathaway, UnitedHealth Group, Home Deport và JPMorgan Chase đã giảm 6,2% kể từ đầu năm đến ngày 5/5. Đó là con số tốt hơn nhiều nếu so sánh với chỉ số SP500 Foreign Revenue Exposure - giảm 15,7%. Các công ty chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số này là Apple, Microsoft, Alphabet và Tesla.
Đầu tư trực tiếp vào USD là mạo hiểm nhưng nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn thông qua các ETF. Quỹ Invesco DB US Dollar Index tăng trưởng 8,1% năm nay trong khi S&P 500 mất 13%, chỉ số Bloomberg US Aggregate Bond - thước đo phổ biến cho thị trường trái phiếu - giảm 11,1%.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra kết luận nào từ sự so sánh trên, hãy nhớ USD sẽ không tăng giá mãi. Trên thực tế, việc đặt cược theo chiều ngược lại có vẻ hợp lý hơn, Shalett gợi ý.
Rót vốn vào các công ty có doanh thu liên quan thị trường quốc tế và đầu tư vào các thị trường đã giảm sâu như Nhật Bản có thể là hành động khôn ngoan nếu bạn có đủ kiên nhẫn, bà bổ sung. Tương tự, cổ phiếu và trái phiếu tại nhiều thị trường mới nổi - chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 và chiến sự ở Ukraine - đang có giá hấp dẫn.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng là một lựa chọn tốt. "Tôi cho rằng khi Trung Quốc thoát khỏi các đợt phong tỏa Covid-19, kinh tế nước này sẽ hồi sinh, kéo theo các thị trường mới nổi khác. Đó có thể là lúc USD suy yếu".
Nhưng cũng có thể không. Các Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói họ thích một đồng USD mạnh, ngay cả khi các điều kiện kinh tế không bảo đảm cho việc này, như năm 2015, một giai đoạn USD tăng giá, Jeff Sommer cây viết mục Chiến lược của New York Times cho biết.
Như lần này, USD tăng giá chủ yếu bởi chính sách tiền tệ của Mỹ chệch nhịp với các quốc gia lớn khác. Tác dụng phụ là người Mỹ đi du lịch nước ngoài có thêm một khoản tiền còn các nhà xuất khẩu của Mỹ chịu hậu quả.
Giai đoạn thắng lợi của USD thường không kéo dài. Lần này có thể cũng sẽ như vậy, theo Sommer.
(Theo New York Times/ Dân Trí)