Khác hẳn với các năm trước đó, đồng USD bất ngờ có diễn biến giảm mạnh so với đồng VND vào đúng thời kỳ cao điểm trước Tết Nguyên đán cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chính sách điều hành mới, thả cho tỷ giá biến động trườn bò theo tín hiệu thị trường. 

Diễn biến lạ

Sáng 29/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá đồng Việt Nam với USD giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Mức giá áp dụng cho phiên giao dịch này là 21.881 đồng, giảm 5 đồng so với phiên liền trước.

Đây là một diễn biến khác lạ của thị trường ngoại tệ. Thông thường, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tỷ giá luôn trong tình trạng căng thẳng theo chiều giá đồng USD tăng lên và VND giảm xuống. Trong khi đó, năm nay, tỷ giá chùng xuống, USD liên tục giảm giá so với VND trên tất cả các thị trường.

Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố giảm tổng cộng 29 đồng trong 4 phiên liên tiếp. Điều đáng nói là, sau khi áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới theo hướng thả nổi có quản lý, đồng USD không những không tăng mạnh mà còn giảm.

{keywords}
Tỷ giá diễn biến khác lạ so với mọi năm.

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, tỷ giá đã xuống dưới ngưỡng 21.890 đồng - mức trước khi áp dụng tỷ giá trung tâm bắt đầu từ ngày 4/1.

Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng giảm mạnh và kéo dài suốt cả tuần qua. Giá USD tại Vietcombank sáng 29/1 chỉ còn 22.190 đồng (mua) và 22.260 (bán), so với mức 22.450 đồng (mua) và 22.530 đồng (bán) hồi cuối 2015.

Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 22.380 đồng (mua) và 22.410 đồng (bán), so với mức 22.650 đồng (mua) và 22.690 đồng (bán) cuối 2015. USD tự do cũng giảm khoảng 140 USD trong 4 phiên vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ một DN nhập khẩu phụ tùng ô tô tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, thông thường trong các năm trước, vào thời điểm cuối năm, tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối thường rất căng thẳng. “Diễn biến phức tạp” là cụm từ được dùng để chỉ tình trạng nhu cầu USD tăng mạnh vào cuối năm.

Có những năm, tình trạng khan hiếm tiền đô tới mức, DN phải chấp nhận mất thêm phí để mua USD với giá thực cao hơn giá niêm yết.DN nhiều lúc bị từ chối khéo, nếu không thì bị đòi giá cao. Để có đủ USD để thực hiện các hợp đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, cũng theo đại diện DN này, năm nay, việc mua bán đô dễ dàng hơn nhiều.

Cung lớn, thị trường hạ nhiệt

Theo đánh giá của nhiều chủ DN, với cơ chế tỷ giá mới (áp dụng dựa trên 3 cấu phần: diễn biến trên thị trường liên NH, diễn biến tỷ giá trên thị trương quốc tế với đồng tiền của 8 đối tác lớn và các cân đối kinh tế vĩ mô), thì khả năng USD tăng mạnh là rất cao.

{keywords}
Cung USD tăng mạnh đầu 2016.

“Chính NHNN cuối 2015 cũng đã có dự báo USD tăng giá. NHNN cho phép NHTM mua kỳ hạn 3 tháng với giá cao hơn 1%, tức kỳ vọng tăng 1% trong quý I. Kỳ hạn 360 ngày tại một số NH lớn được kỳ vọng tăng tới 5-5,7%”, ông Dũng, một doanh nhân tại Hải Phong nhận định.

Nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước đều đưa ra dự báo, USD sẽ tăng khoảng từ 3-7% so với VND trong năm 2016. HSC cho rằng, tỷ giá có thể điều chỉnh 3-4%, trong khi ANZ dự báo ở mức cao hơn 5-7%.

Trên thực tế, tỷ giá trung tâm đã có diễn biến tăng giá trong 2 tuần đầu năm mới. Đó là diễn biến của thời điểm ban đầu áp dụng. Tỷ giá chịu ảnh hưởng của thị trường quốc tế và tâm lý lo ngại khả năng thị trường ngoại hối vẫn nóng như các năm trước đây vào thời điểm cuối năm cũ đầu năm mới.

Mặc dù vậy, trên thực tế, tỷ giá tại các NHTM và trên cả thị trường tự do trong nước lại có diễn biến ngược với tỷ giá trung tâm. Nguồn cung USD tại một số NHTM được cho là cao hơn so với nhu cầu.

Trong một nhận định mới đây, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng không thấy yếu tố trong nước có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá mà rủi ro chủ yếu từ bên ngoài.

Thực tế cho thấy, trong nước, trong năm 2015, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,5 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 2% trong kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ USD. Nếu so với con số xuất siêu kỷ lục 2 tỷ USD trong năm 2014, thì đây rõ ràng là một áp lực lên tỷ giá vào đầu 2016.

Nhưng diễn biến trên thị trường lại đang phản ánh tình trạng ngược lại. Lý giải hiện tượng này, đại diện một CTCK cho rằng, thương mại thâm hụt nhưng cán cân thanh toán đang rất dồi dào. Dòng tiền từ đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thống kê từ Bộ KH-ĐT cho thấy, giải ngân FDI đầu năm 2016 tăng rất cao, ước đạt 800 triệu trong khoảng 3 tuần đầu năm, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.

Kiều hối vẫn là một dòng tiền quan trọng giúp cân bằng cán cân thanh toán của VN. Ước tính trong năm 2015, có khoảng 14 tỷ USD kiều hối đổ về VN, cao hơn 2014 và các năm trước đó.

Áp lực về cán cân thanh toán, vì vậy, không quá lớn. Tuy nhiên, cái khó đối với cơ quan quản lý đến từ thị trường tài chính thế giới mà theo VCBS quan trọng nhất là từ TQ. Lộ trình tăng giá của Fed khá rõ ràng, do vậy, yếu tố bất định lớn nhất giờ đây chính là thị trường tài chính TQ. Có nhiều dự báo cho thấy, đồng NDT của TQ còn tiếp tục giảm, TTCK TQ còn chao đảo. Đây là những yếu tố sẽ tác động tới nhiều đồng tiền trên thế giới.

VCBS dự báo VND sẽ giảm khoảng 4-5% trong 2016. Trong khi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng mức điều chỉnh là 3-4%.

Nhiều chuyên gia trong đó có TS. Trương Văn Phước cho rằng, mức độ mất giá của đồng VND sẽ không quá và không nên để quá 5%. Cũng theo ông Phước, việc Fed tăng lãi suất cũng không có gì đáng lo ngại và những màn diễn “mang tính thời trang” của đồng NDT cũng không phải là cái phải chạy theo. Ổn định vĩ mô là điều quan trọng.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đến từ BIDV thì cho rằng, khả năng điều chỉnh như thế nào còn tùy thuộc vào thâm hụt thương mại và khả năng lạm phát quay trở lại trong thời gian tới. Yếu tố nợ công cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, chính sách tỷ giá linh hoạt là cần thiết.

M.Hà