Sự kiện nhằm thảo luận về vai trò của công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh. Đây cũng là một hoạt động trong dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM do USAID tài trợ.
Với 3 chủ đề cùng 11 tham luận từ các khách mời, chuyên gia, hội thảo đã nêu bật các ứng dụng của hydrogen trong các ngành công nghiệp khác nhau, các thiết bị và công nghệ cần có để sản xuất, các chính sách khuyến khích phát triển hydrogen.
Được coi là công nghệ dẫn đầu cho nỗ lực khử carbon trên toàn cầu, hydrogen có thể được sử dụng cho mục đích lưu trữ năng lượng, cung cấp nguồn năng lượng dự phòng sạch khi được sản xuất từ yếu tố địa lý, thiên nhiên… Ngoài ra Hydrogen có thể trộn với các nhiên liệu truyền thống như khí đốt để giảm lượng khí thải, được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như thép, hóa chất, phân bón và vận tải…
Với những ưu thế về địa lý, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia có tiềm năng dẫn đầu về hydrogen trong tương lai. Theo tổ chức năng lượng Đan Mạch, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi đạt 160 - 310 GW, thuộc hàng cao nhất trong số các nước ASEAN.
Bên cạnh nhiều lợi thế, Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết: “Hoa Kỳ tự hào hợp tác với Việt Nam và cụ thể là TP.HCM thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các nguồn năng lượng tái tạo với mong muốn mang lại môi trường sạch hơn”.
Bà Susan Burns thông tin thêm, Mỹ đã cam kết tài trợ 36 triệu USD thông qua chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam do USAID triển khai. Ngoài ra, USAID cũng có nhiều dự án khác và đang cam kết tài trợ hơn 90 triệu USD để giảm phát thải, duy trì đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Ella Hoxha - Giám đốc dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM thuộc USAID hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin và tiềm năng hợp tác cho các cá nhân, đơn vị để mang lại những giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng trong tương lai.
Với dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam, USAID phối hợp với thành phố Đà Nẵng, TP.HCM cùng các đối tác khu vực tư nhân với mục tiêu cải thiện môi trường chính sách ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp năng lượng sạch; huy động nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng và triển khai các giải pháp năng lượng đổi mới sáng tạo.
Ngọc Minh