Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025 khuyên nam giới không nên uống quá hai ly bia mỗi ngày và một ly hoặc ít hơn đối với phụ nữ.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, nếu bạn uống nhiều hơn mức trên và đều đặn hằng đêm, bia có thể gây hại nhiều hơn có lợi.
Tăng cân
Theo Harvard Health, bia chứa lượng cồn và carb tương đối cao (khoảng 13 carb một lon) nên uống bia thường xuyên có thể làm tăng lượng calo hấp thụ hằng ngày, có khả năng dẫn tới tăng cân.
Cách cơ thể đốt cháy nhiên liệu cũng là một yếu tố khiến bia có thể khiến chúng ta tăng cân. Tiến sĩ Michael Jensen, chuyên gia nội tiết và nghiên cứu béo phì của Mayo Clinic ở Mỹ giải thích với WebMD: "Đồ uống có cồn liên quan đến vòng eo lớn hơn. Bởi khi bạn uống rượu, gan sẽ đốt cháy rượu thay vì chất béo".
Tăng nguy cơ tử vong
"Trước đây, dường như uống một hoặc hai ly bia mỗi ngày không phải là vấn đề lớn và thậm chí đã có một số nghiên cứu cho thấy tác dụng cải thiện sức khỏe. Nhưng giờ đây, chúng tôi đánh giá, những người uống ít bia mỗi ngày cũng có nguy cơ tử vong cao hơn", bác sĩ người Mỹ Sarah M. Hartz chia sẻ với Medical News Today về nghiên cứu của cô.
Năm 2018, nhóm của bác sĩ Hartz đã xem xét dữ liệu của hơn 400.000 người từ 18 tới 85 tuổi để nhận định mối liên hệ giữa việc uống bia và tỷ lệ tử vong. Họ phát hiện những người uống một hoặc hai ly đồ có cồn liên tục trong bốn đêm trở lên mỗi tuần có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 20%, ở tất cả các nhóm tuổi, so với những người uống ba lần một tuần hoặc ít hơn.
Ảnh hưởng tới giấc ngủ
Theo chuyên gia dinh dưỡng Katie Boyd, bia có thể gây hại cho giấc ngủ của bạn. Cô giải thích: "Uống quá nhiều bia dễ gây gián đoạn giấc ngủ vì khiến insulin của bạn tăng đột biến giữa đêm. Do đó, khi thức giấc vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy uể oải và không có tinh thần tốt cho thời gian còn lại trong ngày".
Gây ra vấn đề cho dạ dày
Một hoặc hai lon bia mỗi đêm có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa. Chuyên gia Boyd nói với Eat This, Not That rằng uống bia thường xuyên "gây đầy hơi và có thể kích ứng đường tiêu hóa của bạn".
Cô giải thích thêm: "Uống bia có thể khiến dạ dày tiết ra nhiều axit hơn bình thường, dẫn đến viêm niêm mạc ruột. Điều này có thể gây tác dụng phụ lâu dài như viêm dạ dày”.
Nguy cơ bệnh gan
Khi bạn uống rượu bia nhiều và thường xuyên, gan sẽ phải làm việc liên tục. Là một trong những cơ quan chính xử lý chất độc, gan có thể bị áp lực, tổn thương dẫn tới bệnh gan.
Bác sĩ tiêu hóa K. V. Narayanan Menon nói: "Chuyển hóa cồn có trong rượu bia tạo ra các phân tử ức chế quá trình oxy hóa chất béo trong gan và có thể dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ".
Uống bia điều độ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Diabetologia đã xem xét mối liên hệ giữa dùng đồ uống có cồn và bệnh tiểu đường dựa trên thông tin của hơn 70.000 người ở Đan Mạch trong gần 5 năm. Các tác giả phát hiện uống lượng vừa phải có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn.
Mặc dù đây có vẻ là một tin tốt, nhưng WebMD lại cho hay, bia chứa carb có thể làm tăng lượng đường trong máu và gây ra vấn đề với người bị tiểu đường. Không chỉ vậy, cồn trong rượu bia cũng có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc trị tiểu đường.
Lợi ích nhỏ cho hệ miễn dịch
Uống bia nhiều có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi nhưng một lượng nhỏ bia thường giúp bạn dễ chịu hơn. Điều này do bia có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Anh.
Tuy nhiên, những nhà chuyên môn khác lại cảnh báo không nên bia rượu để tăng cường hệ miễn dịch. Trao đổi với Healthline, Tiến sĩ E. Jennifer Edelman, chuyên gia về thuốc cai nghiện của Yale Medicine, cho biết: "Rượu bia có nhiều tác dụng phụ khác nhau trên khắp cơ thể, bao gồm các tế bào của hệ miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng".