Bia có những lợi ích sức khỏe nhất định như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và loãng xương. Tuy nhiên, uống nhiều bia có thể dẫn đến ung thư, bệnh gan và tim mạch.
Các nhà sản xuất làm bia bằng cách lên men tinh bột, thường là lúa mạch. Nồng độ cồn của bia từ 3,5 tới 10%.
Thông tin dinh dưỡng
Các khoáng chất trong bia bao gồm canxi, đồng, sắt, magiê, mangan, selen, phốt pho, kali, natri, kẽm. Bia cũng chứa nhiều vitamin như B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12, A, E, D, K.
Tác dụng của bia
Uống bia ở mức độ vừa phải có thể có tác dụng tích cực đối với sức khỏe, giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
Một số nghiên cứu ghi nhận uống bia giảm khả năng mắc bệnh tim. Những người tiêu thụ bia với lượng phù hợp có lượng cholesterol "tốt" cao hơn, độ đàn hồi mạch máu tốt hơn.
Ngoài ra, bia cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, kiểm soát lượng đường trong máu, tránh mắc tiểu đường loại 2, ngăn ngừa loãng xương…
Tác dụng phụ
Uống bia mang lại một số tác động tích cực cho sức khỏe, nhưng điều này chỉ xảy ra khi mọi người uống điều độ. Tiêu thụ nhiều bia nguy cơ dẫn tới ung thư, suy gan, tiểu đường, bệnh tim mạch, tuyến tụy, truyền nhiễm, thần kinh, tăng cân, phiền muộn…
Người say bia dễ có các hành động liều lĩnh, gây thương tích cho người khác, thậm chí dẫn tới tử vong.
Lượng bia khuyến nghị
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu vào năm 2016, lượng bia vừa phải tốt cho sức khỏe tương đương 1 lon 330ml nồng độ cồn 5% mỗi ngày với phụ nữ và 2 lon tương tự với nam giới.
Trong khi đó, hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ đánh giá, lượng bia vừa phải tương đương 350ml. Uống nhiều hơn hướng dẫn được khuyến nghị có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Mặc dù bia có chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng mọi người không nên dựa vào nguồn khoáng chất, vitamin có từ đồ uống này. Chúng ta vẫn nên ưu tiên một chế độ ăn đầy đủ trái cây, rau, ngũ cốc và protein nạc.
An Yên (Theo Medical News Today)