Tôi có sở thích uống rượu mạnh, mỗi lần dùng khoảng 5-6 chén. Tôi cần bao nhiêu thời gian để đào thải hết nồng độ cồn? (Nguyễn Văn Hùng - 34 tuổi, Hà Nội). 

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng) tư vấn:

Để trả lời được câu hỏi này, bạn cần hiểu rõ về khái niệm đơn vị độ cồn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 1 đơn vị cồn là 10g ethanol tương đương 1 ly rượu mạnh 30ml trên 40 độ, 2/3 lon bia 330ml, 1 ly rượu vàng 70-75ml. 

Có ba con đường chuyển hóa rượu trong cơ thể người là tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da và hệ hô hấp. Trong đó khoảng 90% chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan nhờ 2 enzym chủ yếu là alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase.

Trong cơ thể con người nếu có 2 loại men trên, rượu sẽ được phân hủy nhanh hơn, hệ thần kinh trung ương ít bị ảnh hưởng. Khi bạn uống quá nhiều, nhanh vượt khả năng phân hủy của men hay thiếu hụt men chuyển hóa, bạn sẽ rơi vào tình trạng say rượu.

Một người bình thường có chức năng gan tốt sẽ cần 1 giờ để thải trừ được 1 đơn vị cồn. Như vậy, bạn uống 5 đơn vị cồn sẽ cần 5 giờ thải nồng độ cồn. Sau đó, bạn cần thêm 2 giờ để thải hết hoàn toàn qua đường hô hấp giúp hơi thở sạch nồng độ cồn.

Tuy nhiên, vào dịp Tết, việc sử dụng rượu nhiều hơn khiến cơ thể bị áp lực, thời gian đào thải nồng độ cồn có thể lâu hơn dự kiến.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn trong dịp Tết, tốt nhất mọi người không uống quá nhiều; không sử dụng quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ, không sử dụng rượu quá 5 ngày/tuần. 

Khi uống rượu, bạn cần lưu ý nếu có các triệu chứng như nôn mửa nhiều lần không giảm, đau bụng, rối loạn ý thức, hạ thân nhiệt (da lạnh, khó thở, lơ mơ) nênđến ngay cơ sở y tế để có thể xử trí kịp thời.