Sáng 8/10, PV VietNamNet đã trao chiếc xe lăn điện cho chị Trần Thị Hiền (40 tuổi, trú xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), nhân vật trong bài viết "Mong ước có một chiếc xe lăn của người phụ nữ tật nguyền mê hội hoạ"
Trước đó, PV VietNamNet đã trao số tiền 11.890.500 đồng của bạn đọc cho chị Hiền. Bạn đọc báo khi biết ước mơ của chị Hiền chưa thành hiện thực, một gia đình đã góp thêm 10.000.000 đồng giúp chị mua được chiếc xe lăn điện sau hơn 26 năm ở yên một chỗ.
Từ khi chào đời đến năm 14 tuổi, chị Hiền phát triển như bao bạn bè cùng trang lứa. Ngày Quốc khánh 2/9/1996, khi đi tập duyệt đội về, chị bỗng bị cảm, được đưa đến Bệnh viện huyện Đô Lương chữa trị. Sau gần 1 tháng, bệnh tình vẫn không có chuyển biến, gia đình đưa chị lên bệnh viện tuyến tỉnh.
Suốt 3 tháng đó, chị đều trong tình trạng hôn mê sâu, được chẩn đoán bị cảm hàn biến chứng dẫn đến viêm đa khớp, chân tay co quắp. Mặc dù được chỉ định chuyển tuyến, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa đi Hà Nội, cha mẹ đành phải đưa chị về nhà theo dõi.
Đó cũng là khoảng thời gian khủng khiếp nhất với người thiếu nữ ở độ tuổi non trẻ. Hàng tháng trời chị nằm trên giường bất động, đôi mắt nhắm nghiền. Không trò chuyện được với ai, ai hỏi gì cũng không nghe thấy. Chỉ riêng mẹ chị - bà Chu Thị Cúc (SN 1959) hiểu rằng con mình đang phải trải qua những thời khắc đau khổ tột cùng.
Họ hàng ở Hà Nội giới thiệu cho chị Hiền một lương y có tiếng ở Lạng Sơn. Sau 2 năm uống thuốc kết hợp cố gắng luyện tập của bản thân, sức khỏe của chị có tiến triển hơn. Chị đã di chuyển được bằng nạng gỗ, tuy còn yếu và khó khăn, nhưng đó cũng là sự vui mừng khôn xiết đối với bản thân và gia đình.
"Năm 2019, cậu út trong nhà đi làm và mua tặng cho chiếc điện thoại, mình bắt đầu lên mạng tìm hiểu hội họa, từng bước học vẽ tranh. Trong 1 lần tình cờ, mình biết đến thầy vẽ tranh truyền thần ở Bình Dương, xin đăng ký học online khóa học 6 tháng. Khi nghe hoàn cảnh của mình, thầy cho học miễn phí”, chị kể.
Sau khóa học, chị đã tự tin và bắt đầu bước vào nghề vẽ chân dung truyền thần ở nhà.
“Mong ước lớn nhất đời mình đã thành hiện thực. Ngồi chiếc xe lăn điện, mình đã có thể tự do đi lại. Mới đầu chưa quen nên còn nhiều bỡ ngỡ, sợ ngã lắm những sẽ cố gắng tập luyện thêm. Cảm ơn bạn đọc báo VietNamNet đã chia sẻ, hỗ trợ cho hoàn cảnh của mình”, chị Hiền mững rỡ tâm sự.
Chị Trần Thị Hiền hay bao người tàn tật khác giống như những bông hoa mang hình hài không nguyên vẹn nhưng vẫn tỏa ngát hương thơm, vẽ nên những nét bút kỳ diệu cho bức tranh cuộc sống thêm phần ý nghĩa.
Quốc Huy - Trần Tuyên