Cải thiện tình trạng ô nhiễm khí thải do phương tiện giao thông gây ra với xu hướng BMW (B là Bus - xe buýt, M là Metro - tàu điện ngầm và W là Walking - đi bộ) đang được nhiều đô thị lớn áp dụng. Ở Việt Nam, bạn nghĩ sao về giải pháp này nếu thời gian tới Hà Nội áp dụng diện rộng?
Anh Đỗ Trung Tín, du học sinh tại Pháp chia sẻ với VietNamNet: “Lần này về Việt Nam thăm gia đình, tôi thấy các xe bus điện xuất hiện nhiều trên đường phố Hà Nội. Không những bus điện mà xe điện (taxi, xe cá nhân) cũng ngày một nhiều khiến tôi thấy rất vui mừng”.
Theo anh Tín, trên thế giới có một khái niệm BMW, tức là lấy các phương tiện công cộng và đi bộ làm xu hướng chủ đạo trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Xu hướng BMW nhằm cải thiện ô nhiễm không khí trong các thành phố, trong đó xe bus (bus điện), metro và đi bộ đang được coi là… xu hướng.
Soi chiếu với Hà Nội, khi 2 tuyến metro đang được xây dựng – vận hành (tuyến Cát Linh – Hà Đông đã đi vào khai thác, tuyến Nhổn – ga Hà Nội chuẩn bị vận hành) cùng hàng chục tuyến khác đang có kế hoạch xây dựng. Đây là xu hướng tất yếu của một đô thị hiện đại, nhưng dù làm xong thì hệ thống metro cũng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đi lại của người dân.
Hỗ trợ hệ thống metro là mạng lưới xe bus và các phương tiện công cộng khác (ở Việt Nam, hệ thống taxi dù là phương tiện công cộng nhưng lại được hiểu như là các phương tiện cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải). Hiện TP Hà Nội có 154 tuyến bus đang khai thác, vận hành; trong đó, có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến bus kế cận và 2 tuyến City tour.
Với 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động bus cùng số đầu phương tiện là hơn 2.300 xe, mỗi ngày mạng lưới xe bus này đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách. Về định hướng phát triển mạng lưới bus, bên cạnh việc điều chỉnh mạng lưới hiện tại hiện nay, Hà Nội đang chuyển dần các đầu xe truyền thống sang xe bus điện.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, thực hiện song song nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng giao thông chật chội như: tăng cường đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm, vành đai, xuyên tâm, hướng tâm và vùng ven đô thị. TP Hà Nội đang khuyến khích người dân hạn chế phương tiện cá nhân; đồng thời, tăng theo lộ trình một cách hợp lý khoa học phương tiện vận tải công cộng.
Ngoài ra, gần đây Hà Nội cũng vận động người dân chuyển sang dùng phương tiện công cộng, đi xe đạp hoặc… đi bộ. Quay lại xu hướng BMW của anh Tín nói ở đầu bài viết, dường như để áp dụng được công thức này thì Hà Nội cần thời gian để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của mình, cộng với thay đổi được thói quen đi lại của người dân. Vậy thời gian cần là bao lâu?
Nhìn sang một số thành phố của các nước trong khu vực như Tokyo và Singapore, chúng ta dễ thấy "BMW" đang vô cùng tiện lợi và rẻ nên được người dân đón nhận. Tiện lợi và rẻ chính là chìa khóa của vận tải công cộng, và khi Việt Nam làm tốt được điều này thì không cần vận động người dân cũng sẽ chuyển đổi và hưởng ứng.
Tiện lợi là gì, tức là từ nhà đến công sở người dân đi metro hay bus thì chỉ cần tối đa không quá 2 lần chuyển phương tiện với thời gian có thể chấp nhận được là họ sẽ không sử dụng phương tiện cá nhân. Hãy soi chiếu với tàu điện Cát Linh – Hà Đông, 13 km hiện nay người dân muốn dùng cũng khó vì không có chỗ gửi xe máy, khó khăn trong việc bắt xe bus tuyến tiếp để đến công sở. Do vậy, việc gấp rút hoàn thiện hệ thống metro kết nối với nhau là điều bắt buộc. Hoặc chí ít là phải kết nối được tàu điện Cát Linh – Hà Đông với các tuyến bus sao cho thuận tiện.
Với hệ thống bus liên tuyến, dù số đầu phương tiện và mạng lưới đã tương đối đầy đủ nhưng kết nối với tác tuyến metro thời gian tới hoặc chất lượng phục vụ, giờ giấc xe chạy và tính tiện lợi của xe bus cũng đang là rào cản khi người dân đánh giá sự tiện lợi mới được 6 trên thang điểm 10 mà thôi. Để người dân thay đổi thói quen và chấp nhận đi xe bus thì Hà Nội còn cần rất nhiều việc phải làm, trong đó nâng cấp chất lượng xe, thái độ phục vụ là điều cần làm ngay; hoặc chuyển dần bus truyền thống sang bus điện cũng là một phần trong lộ trình ấy.
Thứ 2 là chi phí rẻ. “Đánh thuế phương tiện cá nhân vào nội đô, hạn chế xe theo biển số chẵn lẻ, cấm phương tiện cá nhân ở nhiều tuyến phố… là những hình thức cưỡng bức được nhiều nước áp dụng để ép người dân sử dụng phương tiện công cộng. Đi cùng chính sách này, giá vé các phương tiện công cộng rẻ chính là chìa khóa để thu hút người dân sử dụng. Đến thời điểm nhất định TP Hà Nội sẽ phải dùng giải pháp này”, anh Tín chia sẻ.
Quay lại công thức BMW, xét cho cùng ngoài mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân gây ách tắc giao thông thì giảm thiểu ô nhiễm không khí chính là đích đến. Hà Nội đang trở thành thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới và phương án hạn chế phương tiện cá nhân đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự, do vậy công thức BMW biết đâu sẽ được thành phố khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới đây.