Ngày còn học THCS, Nguyễn Ngọc Thương (SN 2004 - Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang) từng là học sinh giỏi môn Giáo dục Công dân và giành giải 3 cấp tỉnh. Với thành tích đạt được, mọi người nghĩ em sẽ thi vào THPT để theo đuổi con đường học văn hóa.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp THCS, Thương đã quyết định nộp hồ sơ vào trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế (Bắc Giang), theo học chương trình đào tạo nghề 9+.

{keywords}
Cô gái Nguyễn Ngọc Thương - khoa May và Thiết kế Thời trang trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế.

Đây là chương trình đào tạo học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có thể lên thẳng Trung cấp của Bộ LĐ-TBXH. Học sinh chỉ cần 3 năm là có thể nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề.

Hướng đi này thể hiện rõ chính sách phân luồng đào tạo nghề sau THCS của Nhà nước. Học sinh khi tốt nghiệp đã hoàn toàn chủ động gia nhập thị trường lao động.

Trở lại câu chuyện của Thương, em cho biết, gia đình làm nông nghiệp. Mặc dù bố mẹ không khá giả nhưng luôn khuyến khích các con tiếp tục học văn hóa.

Hai chị gái của Thương cũng vào THPT sau khi hết lớp 9 nên gia đình hi vọng em cũng theo bước các chị.

Thế nhưng, em đã lựa chọn hướng đi hoàn toàn khác. Khi chuẩn bị tốt nghiệp THCS, ban tuyển sinh trường Trung cấp nghề Miền núi Yên Thế đến trường Thương tư vấn, định hướng nghề. Thương thấy tò mò về loại hình đào tạo kết hợp giữa học văn hóa và nghề. 

Bản thân Thương cũng thích nghề may - thiết kế thời trang từ nhỏ. Khi biết trường có nghề may và sau khi ra trường học viên đều có việc làm, em đã quyết định khá nhanh.

“Ngay sau buổi tư vấn em đã xác định được đường đi của mình và nói chuyện với người nhà. Hoàn cảnh gia đình nghèo, em nghĩ lựa chọn của mình không chỉ bảo đảm được tương lai mà còn được sống đúng với sở thích”, Thương chia sẻ.

Sau 2 năm học tập ở đây, Thương có thể may được chiếc áo sơ mi thành thục, nắm bắt được nhiều kỹ thuật khó. Môi trường và cơ sở vật chất tương đối đầy đủ cho việc thực hành.

{keywords}
Khu vực thực hành nghề may của trường. 

“Các thầy cô ở đây đào tạo rất bài bản, tâm huyết. Em thấy quyết định của mình là đúng đắn”, cô gái sinh năm 2004 bộc bạch.

Bên cạnh học nghề, Thương cũng chú trọng đến học văn hóa. Thời gian giữa học văn hóa và học nghề được nhà trường phân bổ đều nên em không gặp áp lực. Sáng em lên lớp học nghề, chiều học văn hóa. 

Thương ước mơ, sau này đi làm có thể phấn đấu lên những vị trí quan trọng hoặc có điều kiện mở một thương hiệu thời trang riêng cho mình.

“Em nghĩ, không ai đánh thuế ước mơ nên cứ mơ thật lớn. Đó là động lực để bản thân em phấn đấu học tập mỗi ngày. Trước mắt, em sẽ chăm chỉ trau dồi kỹ năng và tay nghề. Tiếp đến là đi làm, tự nuôi sống được bản thân. Cuối cùng mới tích lũy, bắt tay vào các dự định đã ấp ủ”, Thương chia sẻ.

{keywords}
Một lớp học văn hóa tại trường Thương theo học. 

Theo Thương, mỗi hình thức học sẽ có ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, em khẳng định, hướng đi học nghề kết hợp văn hóa là giải pháp tốt cho thanh niên hiện nay.

Nếu lựa chọn học THPT rồi chuyển tiếp lên đại học như bao bạn bè khác, em phải mất 8 năm mới có thể đi làm, kiếm ra tiền. Với hình thức 9+, Thương chỉ cần 3 năm vừa hoàn thành chương trình văn hóa, vừa có tay nghề.

“Nhà trường có sự liên kết với các doanh nghiệp. Quá trình học, em được đưa đến các cơ sở thực tập, cọ sát với nghề. Em tự tin mình sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp”, Thương khẳng định.

Giống như Thương, Nguyễn Đức Mạnh (SN 2004) - học viên khoa sửa chữa ô tô trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế lựa chọn học nghề thay vì thi vào THPT. Mỗi ngày, Mạnh vượt quãng đường gần 20 km để đến trường. Buổi trưa, Mạnh ăn cơm ở căng-tin với bạn cùng lớp. Buổi tối mới về nhà.

{keywords}
Học viên thực hành trong xưởng sửa chữa. 

Mạnh chia sẻ: “Em thấy chương trình đào tạo nghề 9+ phù hợp với năng lực của mình. Nghề sửa chữa ô tô cũng có nhiều tiềm năng trong tương lai nên quyết định theo đuổi. Anh trai em từng học sửa chữa ô tô ở đây và đang đi làm, có thu nhập rất tốt. Trung bình mỗi tháng anh được 10 triệu đồng”.

Nam sinh này cho biết thêm, nghề sửa chữa ô tô không dễ học nhưng nhờ thầy dạy tận tình, có trình độ cao, cách giảng dễ hiểu nên học sinh dễ nắm bắt được kiến thức từ cơ bản đến khó. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế thông tin, mô hình tiếp cận học nghề sớm sau khi học sinh tốt nghiệp THCS được một số nước như Đức, Nhật Bản áp dụng từ lâu và rất thành công. 

Người học sớm được tiếp xúc với hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp nên khả năng và năng lực thực hành tốt, khả năng ra trường có việc làm cao. Ngoài ra, hình thức đào tạo này mang tính mở, học viên có thể học tiếp để lấy bằng cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.

"Ngay từ năm đầu mới đưa mô hình này vào giảng dạy, trường chúng tôi đã thu hút được lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh lớn. Hiện, đào tạo hệ 9+ là một thế mạnh không chỉ của trường tôi mà còn là của các trường trung cấp, cao đẳng khác", ông Thắng nói. 

Nguyễn Sơn