Quê nhà “khoác áo mới” với Làng Hoàn hảo

Trong hơn 10 năm qua, chương trình “Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” đã có những thành công nhất định, góp phần thay đổi tích cực ở các vùng nông thôn. Trong đó, một phần đóng góp từ sự hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp.

Từ năm 2013, Unilever đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn triển khai chương trình “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới” thông qua mô hình Làng Hoàn hảo.

Xã Trung Hiếu (Vũng Liêm, Vĩnh Long) là 1 trong 5 xã đầu tiên được lựa chọn để triển khai mô hình này. Sau gần 1 năm triển khai chương trình, xã Trung Hiếu đã đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới với việc đạt đủ 19/19 tiêu chí.

{keywords}
Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới đã mang đến những thay đổi tích cực cho làng quê

Cho đến nay, xã Trung Hiếu không chỉ có sự cải thiện rõ rệt về cơ sở hạ tầng với hệ thống đường, trường, trạm… phục vụ cho đời sống của người dân, mà còn ghi nhận sự thay đổi trong nhận thức của người dân về nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Điều này được thể hiện thông qua các hoạt động như: bà con trong xã thu gom rác thải quanh nhà, nơi công cộng, khơi thông cống rãnh, giữ vệ sinh môi trường sống, trẻ em tự giác vệ sinh răng miệng và rửa tay vào các thời điểm quan trọng như: trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Đại diện Unilever cho biết: “Sau hơn 10 năm tham gia chương trình này, Unilever đã phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT và Hội phụ nữ Việt Nam hỗ trợ được 10/19 tiêu chí nông thôn mới cho hơn 2000 làng, xã trên toàn quốc; từ đó đã có gần 2 triệu người được hưởng lợi từ các chương trình giáo dục sức khỏe và vệ sinh.

Nhờ vậy, những làng quê thay đổi mỗi ngày, đây còn là nơi để các bạn trẻ quyết định khởi nghiệp, làm giàu trên quê hương. Chương trình đã chứng minh một phương thức kinh doanh khác biệt, hiệu quả và bền vững của Unilever: gắn bó với cộng đồng và phát triển cùng cộng đồng”.

Chung tay xây dựng Làng bền vững

Thu nhập người nông dân được cải thiện, nâng cao tri thức, ý thức là những điều mà Unilever hướng tới. Đại diện Unilever phân tích: “Được trang bị kiến thức, người dân nông thôn vừa biết cách bảo vệ sức khỏe gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh tật, thiên tai…, vừa được tạo cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình”.

Đó còn là mục tiêu chung của thảo thuận hợp tác giữa Unilever và Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025 qua mô hình Làng bền vững, nông thôn mới bền vững cấp làng, xã.

{keywords}
 Unilever ký thỏa thuận hợp tác xây dựng nông thôn mới bền vững với VPĐP Nông thôn mới Trung ương ngày 27/4/2021

Ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch - Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển Bền vững Unilever Việt Nam cho biết: “Unilever là doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, theo đó, chúng tôi không chỉ tăng trưởng kinh doanh mà còn nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường và không ngừng gia tăng những giá trị xã hội tích cực. Với những kinh nghiệm và thế mạnh phát triển bền vững của chúng tôi, Unilever Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong chương trình hợp tác công - tư xây dựng Nông thôn mới cùng Bộ NN&PTNT, để góp phần quan trọng đưa các ngôi Làng bền vững thành hiện thực, giúp nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn”.

Theo đó, Làng bền vững sẽ tập trung vào các hoạt động như: cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, môi trường sống, nước sạch nông thôn; thúc đẩy mua bán, trao đổi hàng hóa; giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực của phụ nữ trong việc thực hiện các chỉ tiêu và mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025 đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các Bộ, ban, ngành, mà còn cần huy động nguồn lực và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi đánh giá cao Unilever Việt Nam với việc tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, với các mục tiêu và sáng kiến hợp tác phù hợp với các mục tiêu chung của chương trình nông thôn mới Quốc gia. Đặc biệt, giai đoạn này tập trung vào việc xây dựng các mô hình Làng bền vững với các tiêu chí về: vệ sinh môi trường, nước sạch, giảm thiểu rác thải, hỗ trợ sinh kế, nâng cao nhận thức ý thức của người dân tại các địa phương”.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010. Mục tiêu của chương trình là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Doãn Phong